Lũng Hồ mùa tươi sáng

09:32, 13/08/2021

BHG - Xã Lũng Hồ (Yên Minh) thuộc nhóm những địa phương khó khăn của huyện với địa bàn rộng, dân số đông, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, thiếu đất và nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Nhưng mùa này, Lũng Hồ đang mang màu tươi sáng khi những ruộng đậu tương xanh mơn mởn giữa rừng đá xám tiếp tục hứa hẹn một mùa vụ bội thu và hiệu quả các mô hình chăn nuôi mang lại hy vọng đổi thay cuộc sống cho bà con.

Cán bộ xã Lũng Hồ kiểm tra sự sinh trưởng của cây đậu tương Hè – thu.
Cán bộ xã Lũng Hồ kiểm tra sự sinh trưởng của cây đậu tương Hè – thu.

Với điều kiện khí hậu phù hợp, Lũng Hồ nổi lên là địa phương phát triển mạnh cây đậu tương của huyện Yên Minh. Năm 2014, Lũng Hồ được huyện lựa chọn triển khai mô hình thâm canh cánh đồng mẫu đậu tương theo phương châm “5 cùng” bằng giống mới ĐT84, cho năng suất cao nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong trồng, chăm sóc đậu tương và hình thành vùng sản xuất hàng hóa, bảo tồn giống trên địa bàn huyện. Đến nay, cây đậu tương ở  Lũng Hồ được xác định là cây trồng hàng hóa chủ lực, đem lại thu nhập cho người dân với tổng diện tích gần 400 ha/năm, riêng vụ Hè – thu trồng 356 ha, năng suất bình quân đạt gần 16 tạ/ha, cao hơn gần 2 tạ/ha so với trước đây.

Vườn rau xanh tốt sau khi cải tạo từ vườn ngô của gia đình cô Ly Thị Mỷ, thôn Lũng Hồ 3.
Vườn rau xanh tốt sau khi cải tạo từ vườn ngô của gia đình cô Ly Thị Mỷ, thôn Lũng Hồ 3.

Chủ tịch UBND xã Lũng Hồ, Nguyễn Văn Kỳ cho biết: Do điều kiện tự nhiên của xã bất lợi, cây lương thực chủ yếu vẫn là cây ngô với tổng diện tích trên 694 ha; cây lúa chỉ có trên 23 ha. Tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 2.600 tấn. Chủ yếu đáp ứng nhu cầu sử dụng của các hộ và một phần cho chăn nuôi. Vì vậy, những năm qua, cây trồng đem lại nguồn thu chính và ổn định cho người dân chỉ có đậu tương. Với tổng sản lượng hàng năm gần 600 tấn, giá bán khoảng 15.000 đồng/kg, đem lại giá trị kinh tế cao. Năm nay, khí hậu thuận lợi, cây đậu tương phát triển tốt, diện tích trồng sớm đang chuẩn bị ra quả. Kỳ vọng sẽ tiếp tục cho năng suất tốt.

Mô hình nuôi lợn đen địa phương đem lại thu nhập khá cho hộ Thào Thị Cho, thôn Lũng Hồ 2.
Mô hình nuôi lợn đen địa phương đem lại thu nhập khá cho hộ Thào Thị Cho, thôn Lũng Hồ 2.

Trồng trọt gặp nhiều bất lợi nên ngoài cây đậu tương, để giảm nghèo bền vững, xã Lũng Hồ vận động nhân dân tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, trong đó bò và lợn đen địa phương là vật  nuôi chủ lực. Tính đến tháng 7, tổng đàn gia súc của xã có gần 8.200 con, trong đó đàn bò 3.080 con, đàn lợn 3.779 con, bình quân mỗi hộ có trên 2 con bò và gần 3 con lợn. Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ từ các chương trình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo. Riêng chương trình hỗ trợ bò sinh sản theo Quyết định 352 của UBND tỉnh năm 2014 - 2015, có 209 hộ được hỗ trợ, tương đương 209 con. Đến nay đã phát triển lên 502 con (chưa kể số đã bán). Ngoài ra, việc đẩy mạnh chương trình thụ tinh nhân tạo cho đàn bò giúp cải tạo tầm vóc, nâng cao giá trị đàn gia súc. Từ hiệu quả kinh tế của chăn nuôi, nhiều hộ đã phát triển lên thành gia trại chăn nuôi bò và lợn như gia đình ông Lù Nỏ Lềnh, thôn Lũng Hồ 3 với 7 con bò, 4 con lợn nái sinh sản, 4 lợn thịt và 15 con lợn con; hộ Thào Thị Cho, thôn Lũng Hồ 2 nuôi gần 50 con lợn đen và 3 con bò…

Cuối năm 2020, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05 về cải tạo vườn tạp với chính sách hỗ trợ tối đa cho các hộ nghèo, cận nghèo 30 triệu đồng để cải tạo vườn; đồng thời các hộ được cán bộ giúp quy hoạch, góp công cải tạo vườn, hướng dẫn kỹ thuật để thay đổi tư duy trồng trọt, chăn nuôi, đảm bảo nguồn dinh dưỡng và có thêm thu nhập cho gia đình. Nhìn mảnh vườn đủ loại rau, quả đang phát triển tươi tốt của gia đình cô Ly Thị Mỷ, thôn Lũng Hồ 3 mới thấy Chương trình Cải tạo vườn tạp đang tạo thêm cơ hội cho người dân Lũng Hồ giảm nghèo bền vững.

Cô Mỷ chia sẻ: Gia đình tôi có trên 1.300 m vườn sát nhà, trước đây phần lớn diện tích để trồng ngô 1 vụ phục vụ chăn nuôi. Được sự vận động của xã, cuối tháng 2 vừa qua gia đình tôi đã quy hoạch lại để trồng rau và một phần làm khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay tôi đã bán được trên 2 triệu tiền rau; nếu không mất 2 tháng các trường học nghỉ Hè và ảnh hưởng của dịch Covid – 19 phải cấm chợ phiên, vườn rau của tôi có chỗ tiêu thụ ổn định sẽ cho thu nhập ổn định và cao hơn nhiều. 

Theo rà soát, xã Lũng Hồ có 1.461 hộ thì có 593 hộ nghèo và 508 hộ cận nghèo, chiếm 75,3%. Với kinh nghiệm canh tác và giá trị ổn định của cây đậu tương, cùng hiệu quả từ chăn nuôi gia súc đã được khẳng định và cơ hội vay vốn  từ Chương trình Cải tạo vườn tạp, tạo thêm sinh kế. Hy vọng những năm tới, mùa nào nơi đây cũng là mùa tươi sáng. 

   Bài, ảnh: Duy Tuấn


Cùng chuyên mục

Kim Ngọc mở rộng diện tích trồng quế

BHG - Bí thư Đảng ủy xã Kim Ngọc (Bắc Quang), Nguyễn Doãn Thiện cho biết: Đầu năm nay, Kim Ngọc đã chuyển đổi diện tích rừng trồng mới được trên 45 ha quế. Hiện, Kim Ngọc đang đẩy mạnh thu hoặch rừng trồng keo, chuyển sang trồng quế. Mục tiêu của Kim Ngọc là, thu hoach toàn bộ diện tích rừng trồng keo hiện có khoảng 2.750 ha để chuyển sang trồng quế, đủ nguyên liệu để xây dựng nghề chế biến tinh dầu quế và làng nghề chế biến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cây quế...

13/08/2021
Hoạt động Khuyến công giúp nâng cao chất lượng sản xuất chè

BHG - Tham gia sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chè Shan tuyết trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì nhiều năm nay, nhưng hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Xuân Thứ, thôn Tấn Xà Phìn, xã Nậm Ty gặp nhiều khó khăn khi muốn nâng cao chất lượng, đa dạng các sản phẩm chè Shan của mình, do thiếu vốn đầu tư máy móc thiết bị và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.

12/08/2021
Lý Hội Rèn "người gác cổng rừng thiêng"
BHG - Trong chuyến công tác tại huyện Đồng Văn những ngày đầu tháng 7, tôi nhận được lời mời của lãnh đạo huyện về chuyến đi kiểm tra khu vực rừng đầu nguồn tại thị trấn Phố Bảng. Chuyến đi đó đã khiến tôi thêm khâm phục những người đang ngày đêm thầm lặng gìn giữ để giữ màu xanh sự sống, bảo vệ nguồn nước. Có thể thấy, trong cuộc chiến giữ rừng, ngoài lực lượng kiểm lâm còn có sự tham gia tích cực của những người dân. Trong số họ, ông Lý Hội Rèn, 76 tuổi, sống tại thị trấn Phố Bảng là người đã dành nửa cuộc đời bảo vệ nguồn nước cho bà con các dân tộc nơi đây.
 
12/08/2021
Bằng Hành chăn nuôi theo hướng hàng hóa

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Bằng Hành nhiệm kỳ 2020 – 2025, đặt mục tiêu: Đến năm 2025, xây dựng thành công các mô hình chăn nuôi tập trung hàng hoá chất lượng cao. Lấy chăn nuôi tập trung thành hướng đi để tiếp tục tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tạo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.

11/08/2021