Lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu
BHG - Mặc dù chưa bước vào vụ thu hoạch, song niên vụ 2021 – 2022 tại vùng trọng điểm cam của tỉnh, gồm: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên đối diện không ít trở ngại khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước; dự báo sức mua của thị trường giảm trong khi sản lượng cam tương đối lớn. Dù vậy, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và nhân dân vùng trồng cam luôn kiên định thực hiện chiến lược xuyên suốt: “Lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu để bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Hà Giang”.
Cán bộ xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) kiểm tra sự phát triển của cây cam. |
Niên vụ cam năm nay, tại 3 huyện trọng điểm về cam có 8,6 nghìn ha, trong đó, diện tích cho sản phẩm chiếm 84,6% tổng diện tích. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn: Năng suất cam bình quân ước đạt 108,5 tạ/ha, sản lượng trên 79,3 nghìn tấn. Dự kiến trung tuần tháng 9 đến tháng 11 tới, khoảng 5-7 ha cam CS1, CT36 chín sớm sẽ cho thu hoạch với sản lượng trên 30 tấn. Từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là thời điểm thu hoạch cam Vàng (xã Đoài, Cao Phong, cam Vinh) với sản lượng gần 20,8 nghìn tấn. Riêng sản lượng cam Sành dự kiến hơn 57,7 nghìn tấn, thời gian thu hoạch bắt đầu từ cuối tháng 12 đến trung tuần tháng 3 năm sau. Còn sau Tết Nguyên Đán đến đầu tháng 5 năm sau, cam V2 cho thu hoạch khoảng 800 tấn (tương đương 70 – 78 ha/2 huyện Vị Xuyên, Bắc Quang).
Sản lượng thu hoạch lớn cộng thêm sức cạnh tranh của sản phẩm cùng loại khác trên thị trường sẽ tạo áp lực cho công tác tiêu thụ. Hơn nữa, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ tác động, ảnh hưởng đến các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cam của tỉnh... Trong khi đó, sản phẩm cam hiện nay chủ yếu tiêu thụ ở dạng quả tươi, phần lớn sản lượng được tiêu thụ thông qua thương lái thu mua tại vườn và phân phối tại các chợ đầu mối, cơ sở bán lẻ trong và ngoài tỉnh (khoảng 70%); còn lại, được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị hoặc thông qua chương trình xúc tiến thương mại (khoảng 30%). Nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các kênh phân phối và bán hàng theo phương thức truyền thống (bán trực tiếp tại các chợ, điểm bán hàng) bị hạn chế, thậm chí không thể thực hiện được…
Trước thực tế trên, sáng 20.8 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình sản xuất và giải pháp xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2021 – 2022. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt: “Lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu để bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Hà Giang”. Cũng tại hội nghị, nhiều giải pháp xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm cam được đề cập, trong đó, ứng dụng thương mại điện tử và số hóa hộ sản xuất, kinh doanh là hướng “cứu cánh” cho niên vụ cam năm nay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Trên cơ sở này, tỉnh ta đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử cho hoạt động tiêu thụ sản phẩm cam; phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tập đoàn FPT, các đơn vị quản lý, vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử để triển khai đưa sản phẩm cam lên các sàn giao dịch thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến.
Hiện nay, Sở Công thương đang tham mưu cho UBND tỉnh phương án tiêu thụ cam trong điều kiện dịch bệnh Covid-19; xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trọng điểm về tiêu thụ sản phẩm cam để xúc tiến, quảng bá, làm cầu nối cho các đơn vị trồng cam trên địa bàn tỉnh tiêu thụ sản phẩm… Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp thực hiện đợt cao điểm triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm cam, như: Cắt tỉa, tạo tán, để số lượng quả trên cành, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng cách... Khi bước vào vụ thu hoạch cam, đơn vị sẽ thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra thường xuyên quá trình thu hái, vận chuyển cũng như test nhanh các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại vườn, lô sản phẩm trước khi đưa vào hệ thống siêu thị, điểm bán cam tại thị trường các tỉnh, thành phố để đảm bảo uy tín, thương hiệu cho sản phẩm…
Tính đến hết năm 2020, diện tích cam Sành được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP lên đến 4.268,9 ha/74 cơ sở/3.554 hộ (diện tích VietGAP chiếm 75,3% cho sản phẩm). Việc sản xuất cam theo quy trình VietGAP góp phần quan trọng thay đổi tư duy các hộ trồng cam từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn. Việc chăm sóc, cắt tỉa, ghi chép sổ sách, lựa chọn phân bón, thuốc BVTV được các hộ quan tâm, nhờ đó môi trường sản xuất từng bước cải thiện. Đến nay, trên 90% các vườn cam VietGAP không sử dụng thuốc trừ cỏ; bao bì phân bón, thuốc BVTV được thu gom đúng nơi quy định; bể nước, hệ thống dẫn nước được vệ sinh sạch sẽ… Đặc biệt, đã có 109 cá nhân đủ điều kiện vay vốn theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025. Kinh phí vốn vay đã giải ngân được 11.687 triệu đồng/135,1 ha để đầu tư thâm canh, chăm sóc vườn cam nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm…
“Việc xây dựng thương hiệu cam Hà Giang đã khó, giữ được thương hiệu còn khó gấp nhiều lần. Do vậy, người trồng cam chúng tôi ý thức được việc tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật sản xuất cam theo hướng VietGAP hoặc hữu cơ để đảm bảo sản phẩm có mẫu mã, chất lượng tốt nhất. Đồng thời, có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa những người sản xuất cam để có chung tiêu chuẩn sản phẩm giúp việc tiêu thụ được thuận lợi”- Giám đốc Hợp tác xã Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang), Trần Trung Thuyết chia sẻ.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG