Kim Ngọc mở rộng diện tích trồng quế
BHG - Bí thư Đảng ủy xã Kim Ngọc (Bắc Quang), Nguyễn Doãn Thiện cho biết: Đầu năm nay, Kim Ngọc đã chuyển đổi diện tích rừng trồng mới được trên 45 ha quế. Hiện, Kim Ngọc đang đẩy mạnh thu hoặch rừng trồng keo, chuyển sang trồng quế. Mục tiêu của Kim Ngọc là, thu hoach toàn bộ diện tích rừng trồng keo hiện có khoảng 2.750 ha để chuyển sang trồng quế, đủ nguyên liệu để xây dựng nghề chế biến tinh dầu quế và làng nghề chế biến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cây quế...
Gia đình anh Seo Văn Dũng, thôn Nậm Vạc vận chuyển cây quế giống, phấn đấu trồng trên 4,5 ha. Ảnh: Tư Liệu |
Để có kiến thức cần thiết cho chuyển đổi từ trồng keo, sang trồng quế, UBND xã đã thành lập đoàn đưa bà con trong xã đi tham quan trực tiếp vùng trồng quế lớn nhất cả nước hiện nay tại huyện Văn Yên, Văn Bàn (Yên Bái). Sau tham quan, xã thành lập tổ công tác giúp đỡ nhân dân trong xã chuyển đổi đất rừng từ trồng keo, sang trồng quế mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Hiện tại, bà con nhân dân trong xã đang tập trung đổi công nhau cuốc hố, bỏ phân để trồng quế. Mỗi ha rừng chuyển đổi sẽ trồng từ 10.000 – 12.000 cây quế. Theo kinh nghiệm trồng quế lâu năm của bà con huyện Văn Bàn, Văn Yên (Yên Bái): Trồng cây quế sau 3 năm sẽ cho thu hoạch theo hình thức tỉa thưa, cứ cách 1 cây, chặt bỏ 1 cây. Số cây chặt tỉa được tận dụng toàn bộ cành, lá đưa vào nấu lấy tinh dầu quế. Phần còn lại, là toàn bộ thân cây quế (đã lột lấy vỏ chưng cất tinh dầu) được nghiền thành bột gỗ sử dụng làm nguyên liệu cho nghề làm hương trầm. Qua 2 lần tỉa thưa, số cây quế còn lại sẽ được thu hoạch sau khoảng 10 – 12 năm trồng, tương đương khoảng 2.600 – 3.000 cây/ha. Giá bán mỗi ha quế tại Yên Bái sau từ 10 – 12 năm trồng, người dân sẽ thu được ít nhất 500 – 700 triệu đồng/ha. Anh Seo Văn Dũng, thôn Nậm Vạc cho biết: Gia đình anh đã thu hoạch 3,5 ha rừng keo chuyển sang trồng quế. Mấy ngày gần đây, gia đình nhờ bà con trong thôn tập trung cuốc hố, bỏ phân trồng trên 4,5 vạn cây quế. Ông Hoàng Văn Thế cũng đã sang tận huyện Văn Yên (Yên Bái) mua 1,3 vạn cây quế về trồng trên đất rừng kinh tế nhà mình. Ông Thế cho biết: Cách đây 6 năm, gia đình tôi trồng gần 1 vạn cây quế trên đất đồi quanh nhà. Vì điều kiện khó khăn nên cứ bán ăn dần, đến nay chỉ còn lại gần chục cây quế 6 năm tuổi. Hiện tại, mỗi cây quế 6 tuổi đã có người đến trả mua mỗi cây 5 triệu đồng. Nếu trồng được 1 ha quế chỉ từ 6 – 8 năm, người trồng sẽ thu được tiền tỷ/ha.
Qua tìm hiểu tình hình trồng quế tại các thôn ở Kim Ngọc nhận thấy: Phong trào chuyển đổi đất rừng kinh tế để trồng quế đang có sức lan tỏa mạnh. Bà con nông dân Kim Ngọc đang quyết tâm chuyển toàn bộ diện tích đất trồng rừng thành những đồi quế trong tương lai gần. Lợi ích kinh tế lớn từ cây quế mang lại đang trở thành hướng đi để cơ cấu lại quá trình trồng rừng sản xuất ở Kim Ngọc. Cách làm của nhân dân trong các thôn là khai thác rừng trồng keo đến chu kỳ, chuyển sang trồng quế. Mùa mưa cũng là mùa bà con các thôn Nậm Vạc, Tân Điền, Mâng, Minh Tường... đang gấp rút đổi công nhau đưa cây quế lên đồi trồng cho kịp thời vụ. Kim Ngọc phấn đấu từ nay đến cuối năm 2021 sẽ trồng mới từ 150 – 200 ha quế bằng 100% giống quế Chi; đến cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025, sẽ trồng được ít nhất là 2.500 ha – 3.000 ha quế và hình thành vùng làng nghề chế biến tinh dầu quế, các sản phẩm từ cây quế đáp ứng tiêu dùng, xuất khẩu.
Trồng quế để cơ cấu lại sản xuất lâm nghiệp và chuyển đổi nghề, xây dựng làng nghề sẽ làm cho Kim Ngọc đổi thay, người nông dân sẽ có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát triển bền vững trong tương lai đang dần trở thành hiện thực.
Nguyễn Hùng