Khai thác tiềm năng thương mại điện tử
BHG - Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động vận tải và tiếp xúc trực tiếp gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ sở sản xuất kinh doanh đang hướng đến giải pháp thương mại điện tử (TMĐT) để tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Gái, tổ 15, Phường Minh Khai, Tp. Hà Giang thường xuyên chọn mua các sản phẩm đặc sản Hà Giang trên sàn TMĐT của tỉnh |
Hợp tác xã (HTX) chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) là một trong những cơ sở sản xuất kinh doanh khẳng định được thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế với các sản phẩm chất lượng, trong đó có 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao Quốc gia. Trên chặng đường đến với thành công hôm nay, HTX đã đón đầu xu thế, khai thác tốt lợi thế cuộc Cách mạng 4.0 mang lại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng. Thông qua hoạt động trên các trang web, mạng xã hội như Facebook, Zalo và các sàn giao dịch TMĐT như Shopee, dacsanhagiang.net,... các sản phẩm của HTX được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng. Nhiều đơn đặt hàng đã được thực hiện thông qua giao dịch TMĐT.
Nguyễn Ngọc Châm, xã Việt Lâm (Vị Xuyên) là chàng thanh niên khởi nghiệp thành công từ đam mê với sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ. Năm 2017, Châm cùng các thanh niên trong xã thành lập HTX Thanh niên sản xuất và thương mại nông nghiệp Việt Lâm. Sau 4 năm đi vào hoạt động, HTX đã dần khẳng định thương hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng với sản phẩm chính là “Phong vân trà”. Với sự nhập cuộc mạnh mẽ, nhanh nhạy của tuổi trẻ, Giám đốc HTX Nguyễn Ngọc Châm đã đẩy mạnh phát triển sản phẩm của mình trên website của HTX; các website, hội nhóm giới thiệu về trà; các trang mạng xã hội, sàn giao dịch TMĐT của tỉnh và Sendo. Qua đó, mở rộng tệp khách hàng, thực hiện các giao dịch bán hàng trực tuyến, giúp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid – 19.
Sản phẩm của HTX chế biến chè Phìn Hồ được bán trên sàn TMĐT Shopee |
Cuối năm 2019, tỉnh Hà Giang khai trương sàn giao dịch TMĐT có địa chỉ dacsanhagiang.net nhằm kết nối giữa người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Trên sàn TMĐT, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có thể đăng tải thông tin, quản lý đơn hàng bán, thống kê doanh thu; người tiêu dùng có thể xem thông tin sản phẩm, thông tin về cơ sở sản xuất, phản hồi về chất lượng với cơ quan chức năng; cơ quan quản lý có thể kiểm duyệt nội dung quảng bá sản phẩm. Sàn TMĐT hỗ trợ thanh toán điện tử thông qua mã QR, VNpay, tích hợp công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Sàn giao dịch TMĐT đi vào hoạt động với hàng trăm mặt hàng đặc sản của địa phương được đăng tải, là sự đón đầu kịp thời xu thế kinh tế số của tỉnh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ như hiện nay.
TMĐT có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, trên thực tế, lĩnh vực này vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Phần lớn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh chưa thực sự quan tâm tới việc bán hàng và thanh toán trực tuyến, thiếu kỹ năng và kiến thức bán hàng trực tuyến. Vì vậy, số lượng đơn hàng được bán trực tuyến thông qua các sàn giao dịch TMĐT và trang mạng xã hội chưa nhiều; việc cập nhật thông tin, giới thiệu về sản phẩm chậm đổi mới.
Xác định TMĐT là xu thế tất yếu của thời đại, đồng thời khắc phục những khó khăn cho doanh nghiệp, HTX khi tham gia TMĐT, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiên Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó tập trung các giải pháp về TMĐT, ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sở Công thương đề xuất với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tham gia phân phối, tiêu thụ sản phẩm qua “Gian hàng Việt trực tuyến” và trên các sàn TMĐT. Chuẩn bị triển khai gian hàng trực tuyến gắn với “Tuần văn hóa du lịch qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” lần thứ VI; phối hợp với Tập đoàn FPT đưa sản phẩm cam và các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh lên sàn TMĐT Sendo; tập huấn cho người dân, doanh nghiệp, HTX những nội dung, kiến thức, kỹ năng cơ bản để đăng tải sản phẩm, bán hàng, cách livestream trực tuyến tại vườn hoặc cơ sở sản xuất; các nguyên tắc tham gia sàn TMĐT; phản hồi khách hàng; các tiêu chuẩn sản phẩm; điều khoản cam kết; địa chỉ, giá thành, chất lượng, giấy chứng nhận VietGAP…
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Lê Thị Thu Hằng, chia sẻ: “TMĐT là hướng đi quan trọng trong xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản, chủ lực của tỉnh hiện nay. Hiện, tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng TMĐT cho hoạt động tiêu thụ sản phẩm cam và sản phẩm OCOP, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các đơn vị quản lý, vận hành sàn giao dịch TMĐT, bán hàng trực tuyến để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, người dân, đưa các sản phẩm lên các sàn TMĐT. Bước đầu, tỉnh chọn 27 HTX có sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh để giới thiệu lên sàn TMĐT Sendo trong tháng 9, sau đó sẽ tiếp tục mở rộng sản phẩm và các sàn TMĐT khác. Đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh khi tham gia TMĐT; khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển các tiện ích thanh toán trực tuyến.”
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN