Hợp tác xã giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững

08:24, 31/08/2021

BHG - Những năm qua, hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể, tiêu biểu là các hợp tác xã (HTX) đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững. Tại huyện Đồng Văn, số lượng các HTX mặc dù chưa nhiều, nhưng đã khẳng định vai trò trong cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. 

Gian hàng của HTX dịch vụ tổng hợp Po Mỷ tại Hà Nội (trước thời điểm dịch covid - 19 phức tạp) bày bán đa dạng các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương.
Gian hàng của HTX dịch vụ tổng hợp Po Mỷ tại Hà Nội (trước thời điểm dịch covid - 19 phức tạp) bày bán đa dạng các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương.

Huyện Đồng Văn hiện có 35 HTX. Những năm qua, các HTX này đã giúp tổ chức lại hoạt động sản xuất cho nông dân, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch. Nhiều HTX nông nghiệp tạo được sản phẩm xuất bán ra thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong đó, có khoảng 12 HTX hoạt động thường xuyên, ổn định, mang lại doanh thu cao cho các thành viên. Tiêu biểu như: HTX Bắc Nam chế biến sản phẩm bánh, bún Tam giác mạch đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm; HTX rượu Thiên Hương kinh doanh sản phẩm rượu, chăn nuôi và dịch vụ du lịch, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng/năm; HTX Thành Công kinh doanh sản phẩm Ớt gió ngâm dấm Nho Quế và nước đóng chai, bình, doanh thu khoảng 500 triệu đồng/năm. Đặc biệt, HTX dịch vụ nông nghiệp Sà Phìn A kinh doanh các sản phẩm may mặc, tuy mới thành lập nhưng đã đạt được những hiệu quả nhất định, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 1 tỷ đồng… 

HTX dịch vụ tổng hợp Po Mỷ, thị trấn Đồng Văn hiện là một trong những HTX kiểu mới, hoạt động hiệu quả, có doanh thu ổn định. Hiện, HTX đang liên kết với trên 30 hộ dân nuôi ong, trồng Sâm khoai và trồng lê; ký kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều xã, thị trấn. 6 tháng đầu năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, một số sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ chậm, tuy nhiên, HTX vẫn hỗ trợ tiêu thụ được trên 50 tấn lê, gần 4 nghìn lít mật ong Bạc Hà cho người dân. Ước tính doanh thu 6 tháng đạt trên 700 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 12-18 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Bà Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX dịch vụ Po Mỷ cho biết: HTX đã và đang kinh doanh các mặt hàng nông sản sạch như: Mật ong Bạc Hà, các loại rau sạch, sản phẩm khô được chế biến từ thịt lợn đen địa phương, thịt bò vùng cao... nhiều sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận OCOP, Chỉ dẫn địa lý, được ưa chuộng trên thị trường.

Đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Những năm qua, huyện có nhiều chủ trương khuyến khích, thúc đẩy phát triển các HTX, nhất là HTX nông nghiệp, ưu tiên nguồn vốn giúp các HTX đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm; hỗ trợ tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thành viên; xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Nhờ đó, các HTX trên địa bàn huyện phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân. 

Bài, ảnh: My Ly


Cùng chuyên mục

Triển vọng nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Bằng Lang

BHG - Anh, Nguyễn Văn Tú, thôn Hạ, xã Bằng Lang (Quang Bình) cho biết, gia đình anh trồng 1 sào dâu (360 m2) lấy lá nuôi mỗi tháng 2 lứa tằm, thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng. 1 sào dâu có thể nuôi tằm được 10 tháng liên tục sẽ có thu nhập bình quân là 50 triệu đồng/năm, tương đương mức thu nhập 500 triệu đồng/mẫu (3.600 m2).

30/08/2021
Đồng Văn dồn lực phát triển vùng khó

BHG - Đồng Văn là huyện vùng cao, địa hình chủ yếu là núi đá; có 9 xã, thị trấn biên giới với nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống,… đã tạo nên sự đa dạng trong văn hóa. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đồng bộ giữa các vùng, các dân tộc. Để tạo ra sự phát triển đồng đều giữa vùng biên giới với các xã nội địa, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực, trong đó, dồn lực phát triển kinh tế vùng khó khăn là một trong những cách làm mang lại hiệu quả thiết thực; từng bước kéo gần khoảng cách giữa các địa phương trong huyện.

30/08/2021
Khẳng định vai trò "điểm tựa" của người dân và doanh nghiệp

BHG - Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tới các lĩnh vực đời sống xã hội. Trước thực trạng đó, Agribank Mèo Vạc kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trở thành "điểm tựa" của khách hàng trước đại dịch.

30/08/2021
Giảm 10% tiền điện cho ba nhóm doanh nghiệp

Ngày 28/8, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho ba nhóm khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như đề xuất của Bộ Công thương.

 
29/08/2021