Đồng Văn dồn lực phát triển vùng khó
BHG - Đồng Văn là huyện vùng cao, địa hình chủ yếu là núi đá; có 9 xã, thị trấn biên giới với nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống,… đã tạo nên sự đa dạng trong văn hóa. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đồng bộ giữa các vùng, các dân tộc. Để tạo ra sự phát triển đồng đều giữa vùng biên giới với các xã nội địa, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực, trong đó, dồn lực phát triển kinh tế vùng khó khăn là một trong những cách làm mang lại hiệu quả thiết thực; từng bước kéo gần khoảng cách giữa các địa phương trong huyện.
Người dân xã Phố Cáo làm đất trồng rau màu. Ảnh: TƯ LIỆU |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra 5 chương trình trọng tâm và 3 khâu đột phá. Trong đó, có 2 nhiệm vụ phát triển kinh tế, đó là tận dụng lợi thế, đẩy mạnh phát triển du lịch và chú trọng phát triển nông nghiệp, tập trung vào phát triển “3 cây, 4 con”.
Năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số nhiệm vụ phát triển du lịch không thể thực hiện được. Huyện đã dồn mọi nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị tập trung phát triển kinh tế với việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả, tìm ra các cây, con giống mới phù hợp, năng suất cao cho người dân. Trong đó, chú trọng tới việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một số địa phương như thị trấn Đồng Văn, xã Lũng Táo, Má Lé,…đã đi đầu trong chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng rau chuyên canh, cây gừng, cây dược liệu,… mang lại thu nhập cao. Cùng với đó, phát huy thế mạnh “4 con”, các địa phương vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. 6 tháng đầu năm, phát triển thêm 7 gia trại chăn nuôi, nâng tổng số gia trại trên toàn huyện đạt 82 gia trại. Chương trình thụ tinh nhân tạo cho bò tiếp tục được thực hiện hiệu quả với 708 con bò được thụ tinh, vượt 156 con so với cùng kỳ. Từng bước tạo ra thế hệ con giống chất lượng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, Chương trình Cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế cho người dân được triển khai rộng khắp đã tạo dấu ấn đậm nét. Đến nay, toàn huyện thực hiện được 254 vườn, vượt 235 vườn so với kế hoạch, trong đó, có 65 hộ nghèo, 126 hộ cận nghèo. Đồng thời, khẳng định, cấp ủy, chính quyền huyện luôn sát cánh cùng người dân. Ngoài cơ chế, chính sách của tỉnh, BTV Huyện ủy trực tiếp hỗ trợ 225 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện cải tạo vườn tạp bằng giống cây ăn quả và tiền mặt 3 triệu đồng/hộ.
Đến nay, thu nhập bình quân của người dân huyện Đồng Văn đạt trên 20 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tuy còn cao nhưng đã giảm đáng kể. Một số xã đặc biệt khó khăn như Hố Quáng Phìn, Sủng Trái, Vần Chải từng bước được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; những thôn, bản xa đều có đường bê tông nông thôn đến từng nhóm hộ. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sạch ngày càng tăng…
Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn cho biết: Những năm qua, huyện luôn có những chính sách ưu tiên phát triển kinh tế các vùng khó khăn, nhất là các thôn, bản xa trung tâm, những nơi đời sống bà con còn nhiều thiếu thốn. Một số chương trình như 135, 30a được triển khai cũng đã tạo ra sự đồng đều cho các vùng. Tuy nhiên, để kéo gần khoảng cách giữa các khu vực cần sự đồng lòng, chung sức của người dân. Vì vậy, bên cạnh sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, tập trung các nguồn lực phát triển cho các vùng khó khăn, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và người dân trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế. Để thời gian tới, các chỉ tiêu như: Giảm nghèo bền vững, thu nhập bình quân đầu người,… đạt kết quả cao nhất.
My Ly