Phát triển sản phẩm hàng hóa đặc thù chất lượng cao
BHG - Phát huy lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, Đảng bộ tỉnh khóa XVII xác định phát triển nông nghiệp đặc trưng, hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Đồng thời, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa bằng các đề án, kế hoạch; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển chăn nuôi bò Vàng mang lại thu nhập ổn định, giúp người dân Mèo Vạc có cuộc sống ngày một ấm no. Ảnh: TƯ LIỆU |
Nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp
Tỉnh ta xác định các cây, con chủ lực, đặc thù, có thế mạnh, lợi thế so sánh như: Cam, chè, dược liệu, trâu, bò, ong để tập trung sản xuất thành hàng hóa theo chuỗi giá trị; theo tiêu chuẩn an toàn, gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Lĩnh vực trồng trọt, xác định sản phẩm cam Sành; chè Shan tuyết cổ thụ; cây ăn quả ôn đới là 3 nhóm cây đặc thù để tập trung sản xuất. Riêng 2 sản phẩm cam Sành và chè Shan tuyết cổ thụ đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận chỉ dẫn địa lý sản phẩm. Sản phẩm cam Sành bước đầu đưa vào hệ thống siêu thị; giá trị sản xuất cam đạt gần 1.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 14,8% giá trị ngành Trồng trọt. Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ có mặt tại các châu lục (châu Âu, châu Á, châu Mỹ) và hơn 20 quốc gia; giá trị sản xuất chè đạt trên 655 tỷ đồng, chiếm khoảng 9% giá trị ngành Trồng trọt. Đối với các cây ăn quả ôn đới, như: Hồng không hạt, lê, mận… đang được tập trung phát triển tại 4 huyện Cao nguyên đá và 2 huyện phía Tây của tỉnh.
Ngành chăn nuôi của tỉnh chủ yếu quảng canh, quy mô nông hộ, vì vậy các sản phẩm bò Vàng, lợn đen, gia cầm địa phương, mật ong Bạc Hà là những sản phẩm đặc thù có chất lượng cao, có lợi thế của tỉnh. Các trung tâm nghiên cứu khoa học chủ động phục tráng và bảo tồn các nguồn gen quý, cung ứng giống tốt cho các hộ dân có nhu cầu ở địa phương. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nuôi trồng và chế biến sản phẩm. Do đó, sản phẩm bò Vàng được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho 6 huyện (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần). Chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc cho 4 huyện Cao nguyên đá. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong sản xuất mật ong. Đối với ngành thủy sản, tỉnh ta không có lợi thế về mặt nước ao, hồ mà chủ yếu tận dụng các dòng sông và lòng hồ thủy điện, do đó, tỉnh xác định cá Bỗng là loại cá bản địa quý hiếm. Đây là loài cá đặc sản địa phương, chất lượng thịt ngon, rất được nhiều khách du lịch yêu thích.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Việc phát triển nông nghiệp đặc trưng, hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa quy hoạch được vùng để sản xuất các sản phẩm đặc thù; các sản phẩm thấp cả về năng suất, mẫu mã, chất lượng sản phẩm; một số sản phẩm đặc thù dù đã xây dựng được chuỗi giá trị xong mới dừng lại ở việc hỗ trợ cho sản xuất; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến còn hạn chế; chưa tận dụng được lợi thế về du lịch để đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc thù phục vụ du khách. Việc thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gặp khó khăn; chưa tìm được thị trường tiêu thụ bền vững cho các sản phẩm…
Hiện thực mục tiêu đột phá
Xác định sản xuất nông nghiệp đóng vai trò “trụ đỡ” kinh tế của tỉnh, giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống, tỉnh ta tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa đặc thù chất lượng cao theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, nâng tính cạnh tranh của sản phẩm, hướng tới mục tiêu cốt lõi nâng cao sinh kế bền vững cho người dân.
Tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, đề án và xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm mới; nhất là Nghị quyết 05 về Cải tạo vườn tạp; Đề án phát triển bền vững cây cam Sành… đang mang đến những “trái ngọt” đầu tiên. Đối với các chuỗi giá trị, đã tổ chức rà soát, đánh giá lại các khâu để nâng cấp phù hợp với điều kiện thực tế; tập trung hỗ trợ, đầu tư để phát triển các khâu tạo ra giá trị gia tăng; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc thù của tỉnh thành hàng hóa với cách thức hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ sau đầu tư, như: Nghị quyết 58, ngày 9.12.2020 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành, giai đoạn 2021 – 2025…
Mặt khác, chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị bảo tồn, phục tráng các nguồn gen quý; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào các khâu sản xuất giống để cung ứng giống tốt, chất lượng cao cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, nhằm phát triển sản phẩm, tạo ra các sản phẩm chất lượng, mã đẹp, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Đối với các sản phẩm đặc thù được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm đặc thù, như: Tạo quỹ đất sạch; chính quyền địa phương làm trung gian xây dựng các mối liên doanh, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân với doanh nghiệp thông qua mô hình HTX nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất cho người dân.
Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường; dự báo thị trường gắn với tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc thù; chủ động phối hợp xúc tiến, quảng bá giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng các phần mềm quản lý sản phẩm, trang web thông tin, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng vùng nguyên liệu đối với cây, con đặc thù; tăng cường quản lý nhà nước; kiểm tra, kiểm soát chất lượng các sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, phát huy tốt lợi thế, tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể tin tưởng trong tương lai không xa, việc phát triển nông nghiệp đặc trưng, hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị sẽ thực sự mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào biên cương.
KIM TIẾN