Lê Văn Bẩy tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế
BHG - Anh Lê Văn Bẩy, sinh năm 1966 tại tỉnh Phú Thọ. Lên thôn Nậm Mái, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) lập nghiệp đã hơn 20 năm. Lăn lộn với đủ nghề kiếm sống và đến nay trở thành một ông vua trồng rừng với khoảng 450 ha. Cách đây hơn 1 năm, anh Bẩy lại chọn thêm nghề ương, nuôi Ốc nhồi thương phẩm, cá Coi đưa vào sổ tay làm kinh tế của gia đình.
Thu hoạch trứng Ốc nhồi để nuôi ương. |
Với dáng người nhỏ bé, chân lội bùn, đầu “đội trời” giữa cái nắng tháng 6 đổ lửa trong trang trại, anh Bẩy cười: Nhà nông mà, vất vả nhưng lại có cái ăn. Cuối năm ngoái, anh Bẩy đã dùng máy dẹp bỏ toàn bộ vườn cam Vàng diện tích khoảng 1.200 m2 kém hiệu quả chuyển làm thành 4 ô ruộng ương, nuôi Ốc nhồi. Các ô ruộng đều được xây bờ xung quanh để ốc không bò qua. Dưới ruộng, được rải phân chuồng ủ hoai thành mùn và được cày, bừa kỹ rồi thả nuôi bèo. Trên bờ mỗi ô ruộng, anh Bẩy tận dụng đất quanh bờ trồng Bí xanh, bầu và Mướp hương. Giàn để bí, mướp leo anh làm ra mặt ruộng để vừa tận dụng mặt nước vừa để bầu, bí, mướp có chỗ leo che bớt cái nắng oi ả của mùa Hè làm mát cho ruộng nuôi, ương ốc. Anh Bẩy cho biết: Anh đã mua hàng chục triệu trứng ốc về ương. Trứng ốc được ương trong từng khay có sự điều chỉnh về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng sau khoảng 10 - 12 ngày sẽ nở thành ốc con. Ốc con sau khi chăm ương theo chế độ khoảng 10 ngày là có thể thả nuôi ngoài ruộng. Còn đối với bầu, bí, Mướp hương sau khi trồng, chăm bón khoảng 45 ngày là cho quả. Trứng Ốc nhồi ấp nở, thả nuôi trong ruộng gần 4 tháng là cho thu hoạch. Được biết, Ốc nhồi hiện nay là mặt hàng đặc sản thường được giao bán với giá bình quân từ 65- 80 nghìn đồng/kg. Việc ương, nuôi thử Ốc nhồi đã được anh Bẩy làm thử tại ao trong vườn năm 2020 đem lại kết quả rất tốt. Chính điều đó bước sang năm 2021, anh Bẩy đã mạnh dạn chuyển đổi vườn trồng cây ăn quả có múi để cải tạo thành ruộng nuôi ốc. Mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư và nắm chắc kỹ thuật ương, nuôi sẽ là chìa khoá thành công. Nuôi, ương Ốc nhồi hiện là hướng làm kinh tế hiệu quả của nhà nông khi dám và biết chuyển đổi mô hình kinh tế cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Anh Bẩy dự kiến, sẽ thành lập một HTX trong thôn để mở rộng mô hình nuôi, ương ốc để các hộ cùng tham gia, từ đó xây dựng thành một vùng nuôi, ương Ốc nhồi thương phẩm theo hướng sản xuất sạch có xuất xứ từ xã Kim Ngọc. Tiến tới, đăng ký sản phẩm Ốc nhồi hữu cơ, dán nhãn truy xuất nguồn gốc hàng hoá tới từng hộ trong HTX. Ngoài nuôi Ốc nhồi, anh Bẩy còn nuôi cá Coi Nhật Bản và nuôi ếch thương phẩm. Mô hình, cách làm của anh Bẩy đã, đang được rất nhiều hộ trong thôn, ngoài xã Kim Ngọc tìm đến tham quan, học hỏi. Chính quyền địa phương cũng đánh giá, cách chuyển đổi mô hình kinh tế nuôi Ốc nhồi, cá Coi, nuôi ếch của anh Bẩy là cách làm hay cần được nhân rộng.
Anh Lê Văn Bẩy thả nuôi tại trang trại hơn 1 vạn con ếch thương phẩm. |
Nuôi hàng ngàn con cá Coi Nhật Bản. |
Trước khi tạm biệt anh Bẩy có hẹn, khoảng trung tuần tháng 8 về trang trại thôn Nậm Mái của anh ngồi nướng Ốc nhồi, nói chuyện mô hình làm kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn mới.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng