Nghề làm hương truyền thống ở Sảng Tủng
BHG - Nằm dưới những vách đá hiểm trở, làng nghề làm hương thôn Sín Thầu, xã Sảng Tủng (Đồng Văn) đã có từ trăm năm nay. Tuy là nghề phụ nhưng nhiều gia đình giữ nghề truyền thống vẫn cho họ một khoản thu nhập đáng kể.
Phơi hương. |
Từ kinh nghiệm ông cha truyền lại, người dân thôn Sín Thầu đã duy trì và phát triển nghề làm hương thủ công, được người tiêu dùng ưa chuộng với mùi hương đặc trưng của nó. Hiện tại làng nghề có 22 hộ làm hương theo cách thủ công truyền thống… chuyên cung cấp cho các phiên chợ vùng cao, hoặc phân phối đến các huyện trong tỉnh. Được truyền lại nghề làm hương từ người cha, anh Lầu Mí Nô chia sẻ: Nghề làm hương rất vất vả, để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn từ vót tre, phơi nhuộm chân tăm nhang, đặc biệt để làm ra bột hương thì phải rất kỳ công. Nguyên liệu gồm có: tre, lá cây, gỗ mục, than, nhưng lại làm ra nét rất riêng cho làng nghề. Mỗi nghệ nhân lại có cách pha chế khác nhau cho ra sản phẩm có mùi hương thơm đặc biệt, tạo ra nét riêng cho hương nhang Sín Thầu.
Để cho ra sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn và rất kỳ công ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Tre làm tăm hương là loại tre rừng đủ tuổi, sau khi được lấy về sẽ cắt thành từng khúc dài khoảng 40 cm rồi chẻ thành từng tăm hương, được phơi khô nhúng vào nước cho ướt đều. Bột than được tạo ra từ các lá cây kết hợp với vài vị thảo mộc cắt nhỏ, phơi khô, đốt rồi nghiền thành bộ để tạo màu. Khi tăm hương phơi khô được nhúng keo và lăn qua lớp mùn cưa trộn trầm từ 7-8 lần. Khi lăn phải nhanh tay lắc để bột vừa bám dính, vừa bảo đảm độ tròn đều của cây hương. Có như vậy hương khi đốt sẽ có mùi thơm, tàn đẹp. Sau khi đã hoàn thành, hương được phơi khô và bó thành sản phẩm. Đa số các hộ dân trong làng làm hương quanh năm vì thị trường tiêu thụ rất rộng, đặc biệt là dịp lễ, Tết lượng hương cần sử dụng rất lớn. Anh Hầu Chứ Bó chia sẻ: Mỗi tháng gia đình sản xuất được hơn 1.000 bó hương, với giá bán lẻ trung bình từ 8-10 nghìn đồng/bó. Thu nhập bình quân một năm 30-40 triệu đồng. Mặc dù trên thị trường có rất nhiều loại hương khác nhau ở miền xuôi lên, tiện và rẻ hơn nhưng người Mông vẫn ưa thích hương truyền thống vì sạch, có mùi thơm dịu nhẹ, không độc hại. Hiện nay, hương Sín Thầu đã có mặt ở các huyện như Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, T.p Hà Giang…
Đồng chí Vàng Mí Lía, Chủ tịch UBND xã Sảng Tủng cho biết: Để phát triển thế mạnh của địa phương, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát huy những giá trị truyền thống; tập huấn kỹ thuật giúp người dân có tay nghề cao truyền lại cho thế hệ trẻ, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, đem lại thu nhập cho người dân.
Làm hương không chỉ tạo ra thu nhập, qua đó người dân xã Sảng Tủng luôn phát huy, góp phần lưu giữ những nét đẹp truyền thống, phong tục tập quán văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.
Bài, ảnh: Bích Hoài (Sinh viên thực tập)
Ý kiến bạn đọc