Triển vọng từ trồng dâu, nuôi tằm trên đất Yên Phong
BHG - Với tiềm năng, lợi thế của địa phương, nghề trồng dâu, nuôi tằm là một trong những nghề mang lại sinh kế ổn định cho người dân xã Yên Phong (Bắc Mê). Chính vì vậy, UBND xã đã tuyên truyền, vận động tới bà con nhân dân phát triển làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân.
Ông Hoàng Xuân Thanh kiểm tra vườn dâu tằm. |
Cùng chúng tôi đi thăm những bãi dâu xanh ngút ngàn, trải dài theo bờ sông Gâm tại thôn Nà Vuồng, đồng chí Hoàng Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phong cho biết: Hiện, xã có trên 5 hộ trồng dâu, nuôi tằm, từ khi nông dân trồng cây dâu tằm, đời sống đã đổi thay rõ rệt. Qua đó, có thể thấy được nghề trồng dâu, nuôi tằm đã mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Đến thăm gia đình ông Hoàng Xuân Thanh, sinh năm 1964, thôn Nà Vuồng, một trong những hộ đầu tiên trồng dâu, nuôi tằm và cũng là hộ có diện tích đất trồng dâu lớn trên địa bàn xã. Vừa thu hoạch lá dâu, ông Thanh hồ hởi: Gia đình tôi trồng trên 1.000 m2 cây dâu để nuôi tằm. Thời gian đầu, tôi còn thiếu kinh nghiệm trong nghề này. Để có thêm kinh nghiệm trồng dâu, nuôi tằm, tôi đã đến nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm về cách chăm sóc và thu hoạch. Ông đã chọn từng cây giống khỏe để cho năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt để thu hoạch về lượng lá có đầy đủ chất dinh dưỡng cho tằm. Với sự chăm sóc tỷ mỷ, tằm của gia đình ông được nhiều người biết và đến tận nơi để thu mua. Hàng năm, gia đình thu hoạch 2 lần và xuất ra ngoài thị trường với giá thành 200 nghìn đồng/kg nhộng. Nhờ vậy mỗi năm gia đình thu khoảng 50 triệu đồng.
Chia sẻ thêm về nghề, ông Thanh cho biết: “Nghề trồng dâu, nuôi tằm không phải là công việc dễ dàng, không phải ai cũng làm được. Từ sáng sớm đến lúc nửa đêm, người nuôi tằm phải luôn túc trực thường xuyên để tránh việc có con vật lạ vào phá và phải có đôi tay khéo léo, cẩn thận để khi bắt các con tằm không để chúng bị tổn thương. Ngay cả khi tằm bị bệnh cho năng suất không cao hoặc tằm hư không cho kén thì cũng không được nản chí mà phải kiên trì đến cùng”. Được biết, với kỹ thuật đã được cải tiến, giống dâu mới cho nhiều lá, giống tằm mới cũng ít bệnh, cho kén chất lượng hơn so với giống truyền thống. Cùng với phương pháp nuôi mới, tằm được nuôi dưới nền xi măng hoặc trên dàn khung gỗ trải lưới, không cần nong tre; việc cho ăn, thay phân rất thuận lợi, tiết kiệm công chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao, chính vì vậy, nghề trồng dâu, nuôi tằm được bà con xã Yên Phong hưởng ứng.
Với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo lợi nhuận cho người dân trên đơn vị diện tích, UBND xã Yên Phong đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con phát triển mô hình này. Cùng với đó, liên kết với doanh nghiệp nhằm ổn định đầu ra cho người dân. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, UBND xã đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi cho bà con nhân dân; kết nối tới các nguồn vốn vay ưu đãi; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi tằm và khuyến khích các hộ chuyển đất ruộng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dâu tằm.
Có thể thấy, trồng dâu, nuôi tằm đang giúp bà con nhân dân xã Yên Phong tăng thêm thu nhập bởi tằm dễ nuôi, thời gian quay vòng vốn nhanh, rủi ro thấp, mang lại giá trị kinh tế và nâng cao thu nhập.
Bài, ảnh: Nguyễn Ngân
Ý kiến bạn đọc