Gỡ khó cho hoạt động chế biến nông sản

10:18, 23/04/2021

BHG - Công nghiệp chế biến là một trong những khâu quan trọng trong phát triển nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy lợi thế về vùng nguyên liệu.

Nhờ đầu tư trang thiết bị hiện đại, các sản phẩm của HTX chế biến chè Fìn Hồ đã chinh phục được thị trường châu Âu.
Nhờ đầu tư trang thiết bị hiện đại, các sản phẩm của HTX chế biến chè Fìn Hồ đã chinh phục được thị trường châu Âu.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản; giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, xây dựng, phát triển theo chuỗi chế biến để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Qua đó, nông nghiệp tỉnh nhà đã có bước phát triển vượt bậc: Năm 2020, giá trị sản xuất ngành Nông, lâm nghiệp đạt gần 7.436 tỷ đồng; duy trì hiệu quả 3.516,8 ha cam VietGAP và 11.842,3 ha chè GAP gắn với phân vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến; sản lượng cam thu hoạch niên vụ 2020 - 2021 đạt trên 80.000 tấn; sản lượng chè búp tươi ước đạt 72.500 tấn; giá trị thu hoạch bình quân/ha đất canh tác cây hàng năm đạt 50 triệu đồng; chăn nuôi phát triển theo quy mô gia trại, trang trại để thành hàng hóa; tổng diện tích rừng trồng tập trung đạt 5.711,7 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 58%. 

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 700 cơ sở chế biến chè các loại, trong đó có 1 công ty cổ phần, 7 doanh nghiệp, 23 HTX và 669 cơ sở, hộ gia đình. Các doanh nghiệp, HTX đã đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến, bảo quản hiện đại, công suất lớn, tạo ra sản phẩm chè đa dạng, chất lượng cao, mở rộng thị trường xuất khẩu chè trên 20 nước trên thế giới. Tiêu biểu có Công ty TNHH Thành Sơn (Tp. Hà Giang); Công ty TNHH Trà Hoàng Long (Bắc Quang); HTX Chế biến chè Fìn Hồ (Hoàng Su Phì); Công ty Cổ phần chè Hùng An (Bắc Quang); HTX Thương mại - Vận tải Tuấn Băng (Xín Mần). Đối với công nghiệp chế biến lâm sản, toàn tỉnh hiện có 3 nhà máy chế biến gỗ công nghiệp, gồm: Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Vị Xuyên (Khu công nghiệp Bình Vàng); Nhà máy ván ép công nghệ cao xuất khẩu của Công ty CP xây dựng và thương mại Thái Hoàng; Nhà máy sản xuất viên gỗ nén (Cụm công nghiệp Nam Quang) và trên 270 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản. Nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến và cơ sở sản xuất chủ yếu là gỗ rừng trồng tập trung tại các huyện Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình; sản phẩm chủ yếu gồm gỗ xẻ, gỗ bóc, dăm gỗ, giấy đế các loại, giường, tủ, bàn ghế; thu hút khoảng 800 lao động, đem lại doanh thu hàng năm khoảng hơn 400 tỷ đồng. Ở lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm có các nhà máy chế biến tiêu biểu: Công ty TNHH một thành viên Hùng Hà; Nhà máy chế biến nông, lâm sản Việt Vinh (Bắc Quang); Công ty TNHH Gia Long (Xín Mần); Công ty cổ phần XNK Dược Bảo Châu (Vị Xuyên). Bên cạnh đó, nhiều HTX đầu tư trang thiết bị chế biến dược liệu, tạo ra các sản phẩm có giá trị với các loại dược liệu quý.

Bên cạnh kết quả đạt được, công nghiệp chế biến nông sản tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Số doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp hạn chế; sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường chưa nhiều; địa hình phức tạp, giao thông chưa đồng bộ; tư duy sản xuất của người dân còn manh mún; các doanh nghiệp chưa tiếp cận được nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ…Trong thực tế, công nghiệp chế biến rất quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững. Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistics của thương mại nông sản toàn cầu. Để góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu trên, công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh cần có “cú hích” mạnh mẽ để bứt phá. 

Chia sẻ về giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông sản, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Nguyễn Văn Thành cho biết: “Hà Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản khi có vùng nguyên liệu rộng lớn, nhiều sản phẩm đặc sản địa phương có chất lượng tốt, sản lượng lớn, được cấp chỉ dẫn địa lý và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Những năm qua, bức tranh về công nghiệp chế biến nông, lâm sản của tỉnh tuy đã khởi sắc, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để gỡ khó, các cấp, ngành, doanh nghiệp cần tập trung một số giải pháp trọng tâm: Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ; có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thu hút doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; triển khai sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; ứng dụng mạnh mẽ KHKT vào các khâu sản xuất; đầu tư trang thiết bị hiện đại tạo ra nhiều sản phẩm giá trị cao; xây dựng kho bảo quản mát và sục ôzone cho sản phẩm cam Sành; liên kết giữa doanh nghiệp và đơn vị tài chính để đảm bảo nguồn lực đầu tư…”.

Bài, ảnh: Biện Luân

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Điện lực Bắc Mê đảm bảo cung cấp điện mùa nắng nóng

BHG - Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến trong mùa nắng nóng sắp tới, Điện lực Bắc Mê đã và đang triển khai nhiều giải pháp cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện cũng như đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm.

23/04/2021
Tát Ngà vào vụ thu hoạch mận thép

BHG - Những ngày này, nông dân xã Tát Ngà (Mèo Vạc) bước vào vụ thu hoạch mận thép. Năm nay, giá mận ổn định nên bà con rất phấn khởi. Vườn mận của gia đình anh Hoàng Văn Minh, thôn Nà Trào đang vào vụ thu hái đầu mùa. Chia sẻ với chúng tôi, anh Minh cho biết: Trước đây, mảnh vườn của gia đình có độ dốc lớn nên bỏ không. Vài năm trở lại đây,

22/04/2021
Giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho người dân Cao nguyên đá

BHG - Một trong những nguyên nhân khiến đời sống người dân 4 huyện vùng Cao nguyên đá khó thoát khỏi đói, nghèo chính là thiếu đất sản xuất. Công viên Địa chất toàn cầu (ĐCTC) - Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, KT – XH đặc biệt khó khăn nhưng có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển KT – XH và QP – AN của tỉnh. CNĐ có 17 dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mông, Tày, Giấy, Pu Péo, Dao, Nùng, Hoa, Lô Lô...

22/04/2021
Kim Ngọc chuyển vườn, đồi tạp trồng Quế chi

BHG - Ông Hoàng Thế, thôn Nậm Vạc, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) vui vẻ: Vườn nhà ông hiện nay chỉ còn sót lại 3 cây quế, trồng được 6 năm tuổi, đã có nhiều người đến hỏi mua trả 15 triệu đồng gia đình vẫn chưa bán...

21/04/2021