Lao Chải đa dạng các mô hình kinh tế giúp người dân thoát nghèo
BHG - Là xã biên giới của huyện Vị Xuyên với 100% dân số là đồng bào Mông, trước đây, người dân xã Lao Chải chủ yếu sản xuất theo tập quán truyền thống, phụ thuộc nhiều vào diễn biến thời tiết nên đời sống còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, với sự năng động của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ phát triển, đa dạng hóa các mô hình kinh tế đã giúp người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Người dân xã Lao Chải thu hái chè. |
Nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, Lao Chải có cây trồng thế mạnh là chè Shan tuyết với chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, trước đây, người dân ít đầu tư chăm sóc, nhiều diện tích bị già cỗi, không đảm bảo mật độ nên năng suất chè đạt thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao. Ngoài ra, trên địa bàn xã chưa có cơ sở chế biến chè quy mô lớn để thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân nên dẫn đến giá chè không ổn định.
Xác định chè là cây trồng mũi nhọn của địa phương, chính quyền xã đã tập trung vận động nhân dân mở rộng diện tích, trồng đảm bảo mật độ, chú trọng khâu chăm sóc, ứng dụng KHKT để đầu tư thâm canh, thu hái chè búp tươi theo tiêu chuẩn của cơ sở chế biến. Cùng với đó, xã tăng cường liên kết với các cơ sở chế biến chè, tiến tới ký kết hợp đồng sản xuất với các hộ trồng chè để ổn định giá cả, hạn chế được việc tranh mua, tranh bán, giúp người dân yên tâm sản xuất. Nếu như trước đây, mỗi ha chỉ cho thu nhập khoảng 20 – 30 triệu đồng/năm thì vài năm trở lại đây, thu nhập của các hộ trồng chè đã được nâng lên, đạt khoảng 50 – 60 triệu đồng/năm.
Ngoài cây chè, cấp ủy, chính quyền xã cũng vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đất đồi tạp sang trồng cây dược liệu. Hiện nay, xã đang trồng thử nghiệm 3 ha cây Sa nhân ở thôn Bản Phùng và Lùng Chư Phùng. Sau hơn 2 năm, Sa nhân đã vươn xanh trên những vùng đồi núi khô cằn, hứa hẹn cho thu hoạch lứa đầu tiên trong năm thứ 3. Chỉ vào những cây Sa nhân cao gần bằng đầu người, anh Sùng Seo Súa, thôn Bản Phùng phấn khởi cho biết: Năm 2018, khi xã triển khai trồng thử nghiệm cây Sa nhân, gia đình tôi đã tiên phong trồng. Đến nay cây sinh trưởng và phát triển rất tốt. Hy vọng đến năm thứ 3 sẽ cho thu hoạch. Đây là loại cây dược liệu quý, dễ trồng, ít sâu bệnh, ít vốn đầu tư, cho giá trị kinh tế cao mà còn có khả năng chống xói mòn đất. Thời điểm này, gia đình tôi đang tích cực chăm sóc, làm cỏ, bón phân để kích thích cây ra quả, đem lại thu nhập cho gia đình.
Lãnh đạo xã Lao Chải cho biết, với độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển và khí hậu mát mẻ quanh năm, thời gian tới, địa phương tiếp tục nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loại dược liệu như: Nhân sâm, Đương quy, Ba kích, Ác-ti-sô… với hy vọng mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân, giúp bà con nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa cũng được xã vận động nhân dân tập trung đẩy mạnh. Phối hợp với các ngành của huyện hỗ trợ nhân dân tiếp cận vốn vay ưu đãi, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, nhờ đó xuất hiện ngày càng nhiều các gia đình chăn nuôi đại gia súc quy mô từ 5 - 10 con. Với tổng đàn gia súc trên 1.000 con, đàn gia cầm trên 12.300 con, nguồn thu từ chăn nuôi đã giúp cải thiện đáng kể thu nhập cho các gia đình.
Nhờ đa dạng hóa các mô hình kinh tế, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn 35,75%, giảm 10,65% so với 2015, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc