Quản Bạ nhân rộng đàn ong mật
BHG - Trong những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật tại huyện Quản Bạ cho hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương. Để nghề nuôi ong lấy mật phát triển bền vững, huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển đàn ong mật nhiệm kỳ 2020-2025, với nhiều giải pháp mang tính bền vững.
Thành viên HTX Dịch vụ tổng hợp Bình An, xã Quyết Tiến kiểm tra đàn ong mật. Ảnh: HẢI LÊ |
Hiện nay, nghề nuôi ong đã giúp nhiều nông hộ tại huyện có thu nhập khá. Đến thăm Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Bình An của anh Lê Trung Kiên, xã Quyết Tiến, được biết: “Đến nay HTX có 2 sản phẩm mật ong rừng và mật ong Bạc hà đã đạt hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh. Để được chứng nhận OCOP, chúng tôi phải sản xuất mật ong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt các chỉ số theo đúng quy định. Năm nay, HTX đang nuôi 600 tổ ong, cho sản lượng trung bình khoảng 1.000 lít mật/năm, doanh thu đạt trên 400 triệu đồng”. Với lợi thế sẵn có là huyện Quản Bạ nằm trong khu vực được bảo hộ của Chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà Mèo Vạc, đã góp phần thúc đẩy phong trào nuôi ong và nâng cao giá trị sản phẩm mật ong vùng Cao nguyên đá.
Quay mật ong tại HTX Dịch vụ tổng hợp Bình An. Ảnh: LÊ HẢI |
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quản Bạ, Phạm Ngọc Pha, cho biết: Đến nay, tổng đàn ong trên địa bàn có trên 5.000 tổ, sản lượng mật ước đạt 50.000 lít. Để đẩy mạnh nghề nuôi ong lấy mật theo chuỗi giá trị, huyện đã chỉ đạo thành lập được 3 HTX làm đầu mối liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho các hộ chăn nuôi ong. Các HTX hiện đã chế biến được nhiều sản phẩm chất lượng, có tem, nhãn, truy xuất nguồn gốc cung cấp cho thị trường và được khách hàng ưa chuộng, sản phẩm mật ong Bạc hà là đặc sản làm quà không thể thiếu đối với mỗi du khách khi đến vùng Cao nguyên đá. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện đã có 4 sản phẩm mật ong đạt sao cấp tỉnh, gồm 1 sản phẩm đạt 4 sao, 3 sản phẩm đạt 3 sao. Từ những kết quả trên, khẳng định nghề nuôi ong mật đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp quan trọng vào tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển du lịch và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH trên địa bàn.
Theo ngành chuyên môn, trong quá trình phát triển nghề nuôi ong, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng nhận thấy những hạn chế như các hộ chăn nuôi thiếu sự liên kết với các HTX và doanh nghiệp. Nuôi ong còn mang nặng tính tự phát với quy mô nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng; diện tích cây hoa Bạc hà chưa đáp ứng được yêu cầu chăn nuôi; kiến thức về chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho đàn ong còn nhiều hạn chế. Vấn đề bảo vệ thương hiệu “Mật ong Bạc hà” trước cơ chế thị trường đặt ra nhiều thách thức lớn đối với các HTX và người dân trong phát triển và bảo vệ uy tín của thương hiệu; giá cả thị trường bấp bênh, chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn…
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn và phát triển bền vững nghề nuôi ong tại địa phương. Huyện Quản Bạ đã có các giải pháp như vận dụng các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh và có cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi ong theo hướng hàng hóa. Thực hiện hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chế biến sản phẩm để phát triển tổng đàn, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm mật ong đáp ứng yêu cầu thị trường. Trong đó tập trung làm tốt việc bảo tồn và phát triển diện tích cây Bạc hà tại các xã trọng điểm vùng nuôi ong, gồm: Thanh Vân, Cán Tỷ, Lùng Tám, Thái An... Đẩy mạnh công tác tổ chức sản xuất, thu hút đầu tư, hỗ trợ các HTX xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa. Phát triển và hoàn thiện các sản phẩm OCOP, khai thác và quản lý hiệu quả Chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà vùng Cao nguyên đá. Với mục tiêu phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng tổng đàn hàng năm đạt từ 6-8%, đến năm 2025 tổng đàn ong đạt trên 7.000 tổ, có 5 sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh; bảo tồn và phát triển diện tích cây Bạc hà trên 500 ha.
Với sự tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX và nguời dân địa phương sẽ góp phần thúc đẩy phát triển tổng đàn ong gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, duy trì nghề nuôi ong tại địa phương bền vững.
Đinh Thị Thu Hà (LĐLĐ Quản Bạ)
Ý kiến bạn đọc