Phát triển hợp tác xã gắn chuỗi giá trị

09:55, 21/01/2021

BHG - Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả, phát triển HTX bền vững. Đây cũng là yêu cầu cấp bách đối với các HTX trong bối cảnh hội nhập. Do đó, các HTX trên địa bàn tỉnh đã tăng cường liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, ứng dụng KH-KT để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đại biểu tìm hiểu sản phẩm của HTX Nông, lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (Đồng Văn).
Đại biểu tìm hiểu sản phẩm của HTX Nông, lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (Đồng Văn).

Những năm gần đây, số lượng HTX trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, đa dạng về loại hình sản xuất, kinh doanh gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh có trên 600 HTX, trong đó, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ chiếm 55,4%. Không ngừng thay đổi để phát triển, các HTX đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh và đang trở thành xu hướng tất yếu. Theo đó, có 109 HTX sản xuất, chế biến đưa ra thị trường 133 sản phẩm hàng hóa. Các sản phẩm chủ yếu từ nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đóng góp thiết thực vào mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.

Sản phẩm tinh bột nghệ vàng của HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn tại gian hàng giới thiệu sản phẩm của Liên minh HTX tỉnh.
Sản phẩm tinh bột nghệ vàng của HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn tại gian hàng giới thiệu sản phẩm của Liên minh HTX tỉnh.

Đồng chí Đỗ Minh Huấn, Phó Giám đốc Liên minh HTX tỉnh, khẳng định: Xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị là hướng đi bền vững nhằm xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Để thực hiện mục tiêu này, Liên minh HTX tỉnh xây dựng những kế hoạch nhằm giúp các HTX xây dựng chuỗi giá trị liên kết và mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, tập trung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho người đứng đầu HTX, chú trọng bám sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển thị trường. Tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các HTX tham gia xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị để làm cơ sở nhân rộng. Mặt khác, thời gian qua, tỉnh ta được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực với sự tư vấn, tập huấn từ chuyên gia và hỗ trợ kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất…

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 40 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Không chỉ ký kết hợp đồng tiêu thụ dài hạn với doanh nghiệp, các HTX còn chủ động cung cấp các dịch vụ đầu vào, như: Nguyên liệu, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật... cho các hộ thành viên; thu mua nguyên liệu từ các thành viên để chế biến các sản phẩm hàng hóa, liên kết tiêu thụ ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Khi tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX giảm từ 5-8%, thu nhập của thành viên tăng 20-25%; chất lượng sản phẩm không ngừng tăng, giá bán ổn định và mang lại nhiều lợi ích. 

Thực tiễn cho thấy, các HTX sản xuất, kinh doanh gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương ngày càng được mở rộng và đi vào hoạt động hiệu quả. Tiêu biểu có các HTX: Tuấn Dũng (Mèo Vạc), Thiên Hương (Đồng Văn), Hải Khang (Bắc Quang)… Bằng các hoạt động tăng cường liên kết với các thành viên, các HTX đã phát triển nhiều sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, như: Mật ong Bạc hà, cam Sành, rượu ngô men lá, thực phẩm qua chế biến. Bên cạnh đó, nhiều HTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn sản xuất an toàn, ký kết tiêu thụ sản phẩm dài hạn với tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó có HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn, xã Minh Ngọc (Bắc Mê) được thành lập năm 2016, HTX này không chỉ là “điểm sáng” trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản địa phương mà còn tích cực ứng dụng KH-KT để phát triển bền vững. 

Bà Trần Thị Sáu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn, cho biết: Xác định KH-KT là yếu tố tác động đến sự sống còn của HTX, do đó, chúng tôi đã tập trung thay thế các công cụ lao động đơn giản bằng các máy móc hiện đại, như: Máy sấy tuần hoàn, máy đóng gói tự động định lượng… qua đó giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, tạo nền tảng để đa dạng hóa các sản phẩm của HTX. Đến nay, ngoài sản phẩm bột nghệ và tinh bột nghệ, HTX đã phát triển trên 10 loại sản phẩm khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, HTX còn chú trọng đến ứng dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho sản phẩm tinh bột nghệ phục vụ phát triển, bảo vệ thương hiệu và xuất khẩu. Đến nay, sản phẩm Tinh bột nghệ vàng của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. 

Xu hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số HTX trên địa bàn tỉnh sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị vẫn còn hạn chế về số lượng bởi nhiều nguyên nhân. Do vậy, thời gian tới, các cấp, ngành có liên quan cần thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Phát triển HTX cần có hướng đi, cách làm chắc chắn; tập trung xây dựng các HTX gắn với các sản phẩm có thế mạnh để phát triển gắn với chuỗi giá trị của từng ngành hàng, sản phẩm. Ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các HTX xây dựng kế hoạch, phát triển mô hình liên kết sản xuất…

Bài, ảnh: PHẠM HOAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị giao ban Quỹ tín dụng nhân dân

BHG - Sáng 20.1, tại UBND xã Xuân Giang (Quang Bình), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị giao ban Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), nhằm đánh giá kết quả hoạt động QTDND năm 2020, phương hướng nhiệm năm 2021; đánh giá kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại hoạt động của các QTDND giai đoạn 2016 – 2020. Tham dự có đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Giang; đại diện 10 quỹ tín dụng trên địa bàn tỉnh.

 

20/01/2021
Bắc Quang công nhận 3 thôn đạt tiêu chí "Thôn phát triển toàn diện"

BHG - Ngày 19.1, tại thôn An Tiến, xã Hùng An, UBND huyện Bắc Quang tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm mô hình "Thôn phát triển toàn diện" (Thôn PTTD). Năm 2019, UBND huyện Bắc Quang ban hành Bộ tiêu chí Thôn PTTD, gồm 6 tiêu chí, bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống, từ chính trị, an ninh, trật tự xã hội đến phát triển KT-XH, văn hóa, môi trường, cảnh quan. Đồng thời, lựa chọn 3 thôn thực hiện thí điểm, gồm...

20/01/2021
Bắc Mê nâng cao kỹ năng vận hành máy nông nghiệp cho nông dân

BHG - Những năm qua, việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Mê được đẩy mạnh. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, UBND huyện đã triển khai các cơ chế hỗ trợ nông dân trang bị, tập huấn kỹ năng vận hành máy móc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. 

20/01/2021
Chú trọng kiểm định chất lượng công trình xây dựng

BHG - Góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng, Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng Hà Giang từng bước nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, giữ vai trò giúp cơ quan Nhà nước quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

20/01/2021