Trồng ngô sinh khối ở Hương Sơn
BHG - Hương Sơn là một trong những xã đi đầu của huyện Quang Bình về chuyển đổi diện tích lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối, với mục tiêu xây dựng và hình thành mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi; đang tạo lên bước ngoặt đổi đời cho hàng chục hộ dân trên địa bàn, với những lợi ích về kinh tế và môi trường sinh thái.
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Quang Bình kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của vườn ngô sinh khối của người dân thôn Sơn Thành. |
Hương Sơn có diện tích trồng ngô sinh khối 7,6 ha, với 33 hộ tham gia, chủ yếu được trồng trên đất lúa 2 vụ, nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ngô sinh khối của xã sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, ngô sinh khối đang được trồng tập trung tại thôn Sơn Thành, Sơn Trung trên đất ven sông được phù xa bồi đắp nên đất nhiều dinh dưỡng giúp cây phát triển nhanh, việc tưới tiêu thuận lợi. Ngô sinh khối là giống ngô được trồng để lấy thân non phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi. Việc thu hoạch ngay từ khi cây chuẩn bị trổ hoa giúp thời vụ của cây ngô chỉ khoảng từ 70 - 75 ngày, ngắn hơn 30 ngày so với trồng ngô lấy hạt. Qua đó, giảm thiểu được tác động tiêu cực của thời tiết, thuận lợi cho việc bố trí thời vụ. Không chỉ mang lại lợi ích vượt trội về kinh tế, việc rút ngắn thời vụ giúp tiết kiệm đáng kể lượng phân bón, thuốc trừ sâu, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao sức khỏe cho người sản xuất. Giống ngô sinh khối đang trồng ở xã là NK4300 do Trạm Khuyến nông huyện cung cấp giống, được Nhà nước hỗ trợ 70% tiền giống, nhân dân đối ứng 30%. Để tìm hướng đi mới cho đầu ra được thuận tiện và chắc chắn xã đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm ngô sinh khối với Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hương Hà ở Tuyên Quang, với giá thu mua tại nơi thu hoạch, có hỗ trợ xe vận chuyển được thỏa thuận với giá 700 đồng/kg.
Chị Nông Thị Sao, thôn Sơn Thành, tâm sự: Sau khi được xã tuyên truyền, vận động, tôi đã mạnh dạn chuyển sang trồng ngô sinh khối, hiện nay cây ngô được gần 2 tháng, phát triển rất tốt, ít phải bón phân nên tiết kiệm được nhiều chi phí, nhân công. Nhà tôi hiện nay trồng 3.000 m² ngô sinh khối, dự kiến sẽ cho thu hoạch với năng suất 14 tấn, trừ chi phí mang lại cho gia đình tôi 6 triệu đồng, lợi nhuận cao hơn 1,5 lần so với trồng ngô lấy hạt, lại không phải bảo quản sau thu hoạch. Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, xã thường xuyên xuống tận nơi hướng dẫn kỹ thuật chăm bón cho cây phát triển; phương pháp tưới tiêu hợp lý qua các thời kỳ; các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Thời gian tới tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng ngô sinh khối ở các vụ tiếp theo.
Anh Lý Ngọc Anh, thôn Sơn Trung, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi trồng ngô lấy hạt phải chăm sóc nhiều, nhất là lúc cây ngô ra bắp cần tăng lượng phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật… Một năm cũng chỉ trồng được 2 vụ, khi thu hoạch thì vất vả bẻ từng bắp, tẽ hạt, phơi khô… để tránh cho hạt ngô không bị ẩm ướt, mốc, mọt thì mới bán ra thị trường được. Ngoài ra, giá ngô hạt bếp bênh, cùng với diễn biến bất thường của thời tiết ảnh hưởng đến sự phát triển của cây ngô. Đầu ra của ngô sinh khối đã được xã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên gia đình tôi cùng các hộ trồng khác rất yên tâm, không bị lo thương lái ép giá, mà lại có nguồn thu nhập ổn định.
Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, Nguyễn Văn Tưởng cho biết: Việc chuyển sang trồng ngô sinh khối góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiệu quả của mô hình đã và đang góp phần quan trọng giúp xã hoàn thiện các chỉ tiêu kinh tế, môi trường đề ra hàng năm. Trong xây dựng Nông thôn mới, môi trường cũng là một trong những tiêu chí được đánh giá cao của xã. Ngoài ra, công tác kết nối thị trường, nâng cao giá bán sản phẩm cũng được chính quyền và người dân đặc biệt quan tâm. Xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, hướng dẫn người dân cách làm hay để rút ngắn thời vụ, tăng năng suất cây trồng, giảm thiểu nhân công đem lại hiệu quả cao. Thời gian tới, xã tiếp tục triển khai mở rộng thêm diện tích ngô sinh khối ở các thôn khác để tạo vùng sản xuất tập trung, áp dụng cơ giới hóa. Đồng thời, thực hiện liên kết với các công ty, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo chất lượng và đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập cho nhân dân; hướng người dân đến sự phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn, không phải lo lắng hướng ra của sản phẩm, ảnh hưởng đến tâm lý người sản xuất.
Việc chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối làm nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi đã và đang mở ra hướng sản xuất mới cho bà con nông dân xã Hương Sơn nói riêng, huyện Quang Bình nói chung, góp phần nâng cao thu nhập, không còn phải lo lắng “Được mùa, mất giá” vẫn hay xảy ra ở các năm trước.
Bài, ảnh: Đức Ninh
Ý kiến bạn đọc