Thoát nghèo từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách
BHG - Thời gian gần đây, ở nhiều thôn trên địa bàn xã Vĩ Thượng (Quang Bình) bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Bác Hoàng Thị Nụ, thôn Trung Thành, xã Vĩ Thượng là người đầu tiên trong xã thành công với mô hình này.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Quang Bình kiểm tra mô hình trồng dâu, nuôi tằm của bác Hoàng Thị Nụ (trái). |
Với tâm niệm “Còn sức khỏe là còn lao động” bác Hoàng Thị Nụ, 70 tuổi không ngừng nỗ lực, trong phong trào phát triển kinh tế. Năm 2019 Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩ Thượng tổ chức đi học hỏi kinh nghiệm các mô hình làm kinh tế hay tại xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên (Yên Bái). Bác Nụ nhận thấy mô hình trồng dâu, nuôi tằm phù hợp với sức khỏe của tuổi mình, bác chịu khó tìm tòi, học hỏi, rồi mạnh dạn mua giống dâu, tằm mang về khởi nghiệp.
Bác Nụ, chia sẻ: Nghề trồng dâu, nuôi tằm phù hợp với các gia đình ở nông thôn, chỉ cần một chút tỉ mỉ và có kiến thức kỹ thuật. Nuôi tằm cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần trồng ngô, lúa. Hiện nay, diện tích trồng dâu nhà tôi là 2 ha, mỗi lứa tằm chỉ cần 14 ngày là cho 28 kg kén với giá bán 85.000 đồng/kg, một năm 24 lứa; trừ các chi phí còn lại được 42 triệu đồng. Tôi được Hội Liên hiệp phụ nữ xã cho vay 30 triệu đồng theo nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách huyện để mở rộng cơ sở nuôi tằm và trồng thêm dâu; thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi do xã tổ chức để tích lũy thêm kiến thức, áp dụng vào thực tiễn. Thấy tôi trồng dâu, nuôi tằm thoát được đói nghèo, bà con các thôn, các xã trong huyện đều tìm hiểu, học tập. Chị Hoàng Thị Trang, Chi Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ thôn Trung Thành đánh giá về mô hình: Bà Hoàng Thị Nụ là một hội viên cao tuổi, thành công trong khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình. Thời gian tới, Chi hội tiếp tục khuyến khích hội viên mở rộng diện tích, quy mô trồng dâu, nuôi tằm, từng bước ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Cán bộ Kiểm tra kiểm soát Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Quang Bình, Nguyễn Xuân Khánh, cho biết: Nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng cho vay chủ yếu là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Qua kiểm tra, 100% các hộ vay sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả phát triển kinh tế, qua đó tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhiều so với trước. Trong thời gian tới ngân hàng chú trọng các mô hình mới: Nuôi lợn đen, gà đen, cá… Ngoài ra, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động ủy thác; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Quản lý tiết kiệm và vay vốn để đưa hoạt động tín dụng chính sách ngày càng ổn định và bền vững.
Bài, ảnh: ĐỨC NINH
Ý kiến bạn đọc