Sản xuất công nghiệp một năm vượt khó
BHG - Có thể nói, năm 2020 là một năm vượt khó của nền kinh tế nói chung, hoạt động sản xuất công nghiệp (CN) trên địa bàn tỉnh nói riêng. Dưới tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất CN, tiểu thủ công nghiệp.Tuy nhiên, sản xuất CN vẫn có bước phát triển khởi sắc, từng bước phục hồi.
Nghề làm giấy Bản được bảo tồn, giúp đồng bào Dao thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) nâng cao thu nhập. |
Giai đoạn 2015 - 2020, giá trị sản xuất CN của tỉnh tăng trưởng bình quân 12,7%/năm. Nhưng riêng năm 2020, sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19, ước thực hiện 7.000 tỷ đồng, đạt 87,5% so với kế hoạch. Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bắc Quang Hà Mạnh Thắng, chia sẻ: Huyện Bắc Quang có 23 cơ sở sản xuất CN, tiểu thủ CN. Đa phần các cơ sở này đã khôi phục sản xuất, trở lại hoạt động bình thường. Một số sản phẩm như giấy, gỗ, chè có thị trường tiêu thụ ổn định, chủ yếu cung cấp cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh, như: Công ty TNHH Sao Việt, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Công ty Cổ phần Giấy An Hòa và xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Đài Loan hay một số nước châu Âu… Tuy nhiên, sản phẩm của các đơn vị sản xuất ra chưa đảm bảo theo kế hoạch; thậm chí một số cơ sở sản xuất cầm chừng do mặt hàng ứ đọng, thiếu vốn luân chuyển. Nguyên nhân bởi tình hình dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuê chuyên gia khó khăn, hàng xuất khẩu qua biên giới hạn chế, tiêu thụ chậm, nguồn vốn luân chuyển khó khăn. Nhiều doanh nghiệp có thời điểm tồn kho lượng hàng hóa tương đối lớn, như Công ty TNHH Trà Hoàng Long, xã Hùng An, Công ty TNHH Chè Biên Cương, thị trấn Việt Quang lần lượt tồn kho gần 300 tấn và 450 tấn chè khô; Công ty Cổ phần Hải Hà, thị trấn Vĩnh Tuy tồn kho gần 280 tấn giấy đế…
Sản phẩm dược liệu của Hợp tác xã Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) luôn hấp dẫn du khách. |
Hiện nay, tỉnh ta có gần 500 cơ sở chế biến lâm sản,1 nhà máy luyện chì kim loại và 1 nhà máy luyện FeroMangan. Theo quy hoạch, toàn tỉnh có 10 cụm công nghiệp (CCN). Trong đó, CCN Nam Quang và Minh Sơn đi vào hoạt động tương đối ổn định. CCN Tân Bắc đang thực hiện san ủi mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật,tuy nhiên công tác đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút doanh nghiệp đầu tư gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ lấp đầy các CCN chưa đạt kỳ vọng đề ra (CCN Nam Quang đạt 26,3%, CCN Minh Sơn đạt 75%, CCN Tân Bắc đạt 63,3%). Riêng Khu CN Bình Vàng từng bước được hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư lấp đầy khu CN nhằm hoạt động hiệu quả, bền vững gắn với sản xuất hàng hóa xuất, nhập khẩu; hiện có 19 dự án đăng ký đầu tư chế biến khoáng sản, nông, lâm sản với tổng mức đầu tư gần 4,95 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 9 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, 6 dự án đang đầu tư xây dựng và 4 dự án dừng hoạt động.
Dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song năm 2020, sản xuất CN của tỉnh vẫn có bước phát triển khởi sắc. CN khai thác dần chuyển từ sản phẩm thô sang sơ chế và tinh chế sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất. CN chế biến tập trung vào phát triển các sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu nông, lâm sản của địa phương (như chè, ván bóc, dược liệu và các sản phẩm vật nuôi khác) gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi giá trị khép kín hàng nông sản, tiểu thủ CN. Riêng ngành CN điện được tỉnh tập trung đầu tư phát triển các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, phát huy lợi thế của tỉnh. Năm 2020, toàn tỉnh có thêm 17 nhà máy hoàn thành và đưa vào vận hành, nâng tổng số nhà máy thủy điện lên 36 nhà máy với sản lượng điện 2.659,5 triệu kwh/năm. Các dự án thủy điện được thực hiện theo quy hoạch, góp phần tạo ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước; đồng thời, đóng góp vào giá trị sản xuất CN trên 3.000 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất ngành khai thác khoáng sản tăng 53,24%; chế biến nông, lâm sản tăng 33,04%. Đi liền với kết quả này, tỉnh ta đặc biệt quan tâm việc tăng cường quản lý cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản đảm bảo quy định, hạn chế tối đa tác động ô nhiễm môi trường; kiên quyết không triển khai mới các dự án khai thác khoáng sản, thủy điện khi chưa đáp ứng các điều kiện về quy hoạch, bảo vệ môi trường…
Cùng với kết quả trên, xác định làng nghề là nhân tố quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn; là nơi lưu giữ, phát triển tinh hoa văn hóa của dân tộc. Do đó, công tác bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống đặc trưng gắn với bảo vệ môi trường được tỉnh ta quyết liệt thực hiện. Đến nay, đã khôi phục, bảo tồn 4 làng nghề truyền thống, gồm: Làng nghề nấu rượu thóc Nàng Đôn, xã Nàng Đôn (Hoàng Su Phì), Làng nghề Dệt thổ cẩm dân tộc Tày, thôn Trung, xã Xuân Giang (Quang Bình) và Làng nghề sản xuất giấy Bản dân tộc Dao, thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang). Ngoài ra, tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển 35 làng nghề đã có, nâng tổng số làng nghề, làng nghề truyền thống lên 39 làng nghề, thu hút gần 2.100 hộ, gần 4.200 lao động tham gia. Đặc biệt, một số làng nghề còn có sản phẩm trở thành hàng hóa phục vụ du lịch, tiêu biểu như: Thêu, dệt thổ cẩm, trang phục dân tộc Lô Lô, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn); bánh chưng Gù, thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang); mây, tre đan thôn Nà Ràng, xã Khuôn Lùng (Xín Mần)…
Trong phát triển CN, tiểu thủ CN, định hướng của tỉnh được xác định rõ ràng, nhất quán theo hướng xanh, bền vững; không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Hiện nay, tỉnh ta đang tập trung phát triển các ngành CN chế biến, nhất là CN chế biến nông, lâm sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi giá trị khép kín hàng nông sản, tiểu thủ CN. Đồng thời, có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu, CCN; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển ngành CN hỗ trợ, CN công nghệ cao, CN năng lượng, tập trung vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc