Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển
BHG - Phát triển nguồn nhân lực (NNL) được xem là một trong những quyết sách hàng đầu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Thời gian qua, tỉnh ta có nhiều chính sách ưu đãi, đa dạng về cơ cấu, đào tạo, thu hút NNL chất lượng; đội ngũ trí thức trẻ về công tác tại địa phương, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Công nhân Công ty Cổ phần Cơ khí và khoáng sản Hà Giang làm việc tại mỏ Ăng-ti-mon Mậu Duệ (Yên Minh). |
Hà Giang đang là địa phương có tốc độ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, dịch vụ. Từ những yêu cầu của thực tiễn, vấn đề đào tạo NNL, đặc biệt là lao động có trình độ kỹ thuật trở thành nhu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, có tỷ lệ dân số trẻ, lực lượng lao động chiếm trên 64% dân số; trong đó, độ tuổi từ 15-35 chiếm gần 30%. Từ những lợi thế này, tỉnh ta xác định phát triển NNL, đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm là một trong những giải pháp cơ bản, mang tính bền vững trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng về đào tạo NNL. UBND tỉnh vừa ban hành Chương trình hành động triển khai Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong tình hình mới. Cùng với đó, chỉ đạo mở rộng liên kết, hợp tác đào tạo theo xu hướng hội nhập quốc tế. Nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên theo địa chỉ đặt của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Công nhân Nhà máy gỗ ván ép MDF làm việc tại Khu Công nghiệp Bình Vàng (Vị Xuyên). Ảnh: PHẠM HOAN |
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đào tạo nghề cho trên 52.000 lao động nông thôn; hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 54%. Để có được kết quả đó, tỉnh ta đã xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đào tạo nghề với các ngành nghề phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH địa phương. Trong đó, thực hiện các chính sách phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đào tạo và thu hút NNL; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo. Các cấp đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chính sách, kết hợp với xây dựng, lồng ghép hệ thống chỉ tiêu, giải pháp xây dựng NNL vào kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm. Đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo; thực hiện sáp nhập các trường, trung tâm theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả. Mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động trẻ là thanh niên nông thôn.
Song song với đó, để đào tạo tốt và có hiệu quả NNL, chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, chú trọng đào tạo NNL ngay từ bậc học phổ thông, định hướng nghề cho học sinh một cách cân đối, hợp lý. Các trường học trên địa bàn đẩy mạnh dạy học theo định hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người học; chăm lo, hỗ trợ cho học sinh vùng cao, đặc biệt khó khăn, biên giới. Đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT. Thúc đẩy các hoạt động thi đua học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, sáng tạo KH-KT của thanh, thiếu niên thông qua các cuộc thi, đợt phát động. Cùng đó, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, xã hội hóa giáo dục; xây dưng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới. Qua đó, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp học, trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học tăng qua các năm. Đây là cơ sở quan trọng khẳng định NNL “vàng” trong tương lai ngày càng được đầu tư về chất và lượng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên là rất quan trọng và là “công việc gốc của Đảng”. Thực hiện tư tưởng đó, tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị cũng như nâng cao chất lượng NNL địa phương. Với vị trí, vai trò của mình, Trường Chính trị tỉnh ngày càng khẳng định được vị thế là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp uy tín, chất lượng. Đồng chí Đinh Thị Loan, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Trường Chính trị tỉnh, cho biết: Hoạt động giảng dạy tại nhà trường thường xuyên được đổi mới, cải tiến nhằm truyền đạt kiến thức lý luận tốt nhất cho học viên. Công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế được đẩy mạnh; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy tiếp tục được tăng cường, hoàn thiện. Giai đoạn 2015-2020, nhà trường đã phối hợp mở mới và duy trì trên 160 lớp với gần 14.000 học viên được đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, có nhiều loại hình mới như: Đào tạo Thạc sĩ, bồi dưỡng cán bộ cấp sở, quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính...
Trong xu thế hội nhập, nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức thì NNL, đặc biệt là NNL chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định thúc đẩy tăng trưởng và phát triển KT-XH. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, tạo bứt phá về NNL, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng gia tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Tập trung thu hút NNL chất lượng cao có trình độ đại học, sau đại học và đào tạo nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật về làm việc. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách cán bộ; sử dụng và phát huy hiệu quả NNL thông qua việc ban hành danh mục vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức…
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc