Khó khăn trong triển khai Dự án "Đô thị xanh"
BHG - Với mục tiêu cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển KT – XH bền vững, phát triển du lịch, bảo tồn các di sản văn hóa của thành phố Hà Giang. Hiện, thành phố Hà Giang (đơn vị chủ đầu tư) đang chuẩn bị các bước để triển khai thực hiện Dự án “Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Tiểu dự án tại thành phố Hà Giang (Đô thị xanh) do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 51 triệu USD, trong đó vốn đối ứng của tỉnh là 9,1 triệu USD. Đến thời điểm này, các gói thầu, hợp phần dự án vẫn đang trong quá trình lựa chọn đơn vị tư vấn, họp thống nhất với ADB, khảo sát, tư vấn thiết kế... Tuy nhiên, do một số thay đổi về chính sách đầu tư, xây dựng, đấu thầu, bồi thường giải phóng mặt bằng và phía ADB với BQL dự án thành phố Hà Giang chưa thống nhất được một số nội dung giám sát, kiểm toán và quá trình xem xét, đánh giá theo nhiều bước có thời gian dài làm ảnh hưởng tiến độ dự án…
Gói thầu đường Phùng Hưng được nhà tài trợ trọn làm công trình tiền kiểm nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai. |
Theo đại diện của BQL dự án cho biết, từ tháng 8.2019, UBND tỉnh đã phê duyệt được 6/8 hạng mục công trình của dự án, gồm: Hệ thống các công trình thoát nước; đường vành đai phía Nam thành phố; đường Phùng Hưng; kè bờ Tây sông Lô, (đoạn từ gốc gạo đến Cầu Mè mới); kè hai bên bờ sông Miện (đoạn từ cầu Suối Tiên đến khu vực cầu 3-2); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 2 (đoạn từ Km 285+995 đến cầu Mè mới) và xây dựng cầu Mới nối Quốc lộ II (tại Km286+450) với đường vành đai phía Nam thành phố (tại Km2 + 315,31). Với hạng mục công trình thay thế hệ thống chiếu sáng đường phố bằng công nghệ đèn LED, Sở Xây dựng đã hoàn thành công tác thẩm định và trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng. Hạng mục công trình kè bờ Nam suối Mè (đoạn từ cầu Mè cũ đến đập tràn thôn Châng), hiện đơn vị tư vấn nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ phương án thi công và khái toán kinh phí theo nội dung khuyến nghị của ADB, để báo cáo đề xuất, tham mưu UBND tỉnh văn bản gửi cho nhà tài trợ xem xét và cho ý kiến về các nội dung bổ sung, thay đổi.
Mặc dù đa số các hạng mục công trình của dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt nhiều tháng, nhưng đến nay việc triển khai các bước tiếp theo gần như vẫn dậm chân tại chỗ, bởi trong quá trình thực hiện gặp vô số những khó khăn vướng mắc, kể cả gói thầu đường Phùng Hưng được nhà tài trợ trọn làm công trình tiền kiểm.
Qua tìm hiểu được biết, trong quá trình thực hiện, công tác đo đạc, lập bản đồ thu hồi đất các công trình thuộc dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Việc giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) trước đây không theo quy hoạch sử dụng đất; vị trí giao đất không có quy hoạch đất ở; cấp Giấy CNQSDĐ không có bản đồ địa chính hoặc bản đồ trích đo địa chính; không lập, quản lý, lưu trữ hồ sơ địa chính theo quy định của Luật Đất đai. Các trường hợp được giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực tế ngoài thực địa không có mặt bằng để làm đất ở. Một số tổ chức, cá nhân không xác định được vị trí, ranh giới đất cụ thể của gia đình mình ngoài thực địa do mua bán, chuyển nhượng qua nhiều người; một số trường hợp đã xây dựng công trình vật kiến trúc ở thực địa, nhưng sai lệch với vị trí, ranh giới đất trong Giấy CNQSDĐ. Bản đồ dải thửa các khu đất, cấp đất đo vẽ trước đây có hệ tọa độ không khớp với hệ tọa độ đo vẽ hiện nay. Công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn còn nhiều hạn chế, bất cập trong việc tách thửa đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất… rất khó khăn trong việc xác định chủ quản sử dụng đất. Công tác cập nhật, chỉnh lý hồ sơ quản lý đất đai, giấy tờ sử dụng đất của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chưa thường xuyên và bằng phương pháp thủ công, dẫn tới việc không khớp với hệ tọa độ VN2000, nên xảy ra có sự chênh lệch về vị trí giữa thực địa với Giấy CNQSDĐ… Đặc biệt, các bước thực hiện dự án phải có ý kiến không phản đối của ADB mới được triển khai các bước tiếp theo của từng hạng mục công trình, như: Các bước trong công tác đấu thầu (gói tiền kiểm về xây lắp, các gói thầu tư vấn sử dụng vốn ADB), kế hoạch tái định cư và phát triển dân tộc thiểu số, quản lý môi trường, kế hoạch chi tiêu hàng năm và đây là dự án đầu tiên của tỉnh Hà Giang cũng như toàn quốc phải đưa yếu tố xanh vào hồ sơ thiết kế kỹ thuật và thi công công trình.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án và tuân thủ các quy định của pháp luật và qui định của nhà tài trợ, mới đây tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh và các đơn vị chức năng với ADB, UBND thành phố Hà Giang đã có những đề xuất cụ thể với UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng, đặc biệt là đối với nhà tài trợ quan tâm, tạo mọi điều kiện hỗ trợ Ban Quản lý trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến Dự án; đẩy nhanh công tác xem xét, thông qua các hồ sơ, thủ tục cần có ý kiến từ phía nhà tài trợ; chỉ đạo Hội đồng bồi thường và hỗ trợ tái định cư thành phố phối hợp với Ban Quản lý dự án triển khai thực hiện công tác kiểm đếm và lập phương án bồi thường, tái định cư ngay sau khi có ý kiến của Sở TN&MT về việc thống nhất cho sử dụng hồ sơ đo vẽ lập bản đồ thu hồi đất công trình ở bước nghiệm thu cơ sở và gửi Sở kiểm tra để thực hiện, nhằm hoàn thiện các biên bản xác nhận ranh giới của các tổ chức, cá nhân khu vực thu hồi đất, niêm yết công khai bản đồ thu hồi đất và hoàn thiện bản đồ đo đạc thu hồi đất phục vụ cho công tác nghiệm thu sản phẩm đo đạc. Đồng thời chỉ đạo UBND các phường, xã nằm trong khu vực Dự án phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc