Hiệu quả sản xuất rau VietGAP tại Đồng Văn

15:35, 10/12/2020

BHG - Trong khuôn khổ Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7), năm 2019 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (Climate smart agriculture – CSA) trên cây rau với diện tích 6 ha tại xã Phố Cáo, Sủng Là và thị trấn Phố Bảng với sự tham gia chủ động của người nông dân từ lựa chọn giống, trồng, chăm sóc. Đặc biệt đối với điểm mô hình đã được cấp chứng nhận vùng sản xuất rau VietGAP.

Nông dân xã Phố Cáo chăm sóc rau VietGAP.
Nông dân xã Phố Cáo chăm sóc rau VietGAP.

Kế thừa những kết quả đạt được từ mô hình thâm canh rau do Ban quản lý Dự án nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức; trong năm 2020, huyện Đồng Văn đã nhân rộng đại trà diện tích rau thâm canh. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất quy mô lớn, từng bước hình thành những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, từng bước khẳng định thương hiệu các loại nông sản trên thị trường.

Trên cơ sở đó, thực hiện tái cơ cấu Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Đồng Văn đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên cây, chuyên con hiệu quả. Đối với nhiều xã có thế mạnh như Sảng Tủng, Phố Cáo và thị trấn Đồng Văn, huyện có cơ chế hỗ trợ để hình thành các tổ liên kết sản xuất vùng rau an toàn, theo hướng chuẩn VietGAP thông qua việc hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, vừa phục vụ địa phương vừa hình thành vùng sản xuất ra các thị trường lân cận.

Đã thành thương hiệu, cũng là vùng chiếm số lượng lớn nhất trong huyện, vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn xã Sảng Tủng có diện tích hơn 25 ha, được luân canh gần 3 năm nay với nhiều loại cây trồng trong năm, như: Rau xà lách, cà chua, súp lơ và đặc biệt là rau bắp cải... Nằm trong vùng chuyên canh sản xuất rau màu của địa phương, từ khí hậu, thổ nhưỡng đến cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thuận lợi, năng suất, sản lượng nhờ đó tăng đáng kể, việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn; đặc biệt ,ngay từ khi rau chưa đủ tuổi thu hoạch cũng đã được các tiểu thương nhỏ và vừa đặt trước, do vậy người dân cũng phải tuân thủ quy trình chăm sóc, đúng kĩ thuật và an toàn. Hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, doanh thu bình quân đạt 200-250 triệu đồng/ha.

Cũng như vùng sản xuất rau chuyên canh xã Sảng Tủng, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, không đơn thuần là tăng thu nhập, đối với nhiều hộ nông dân tại xã Phố Cáo trồng rau chuyên canh, đặc biệt là cây trồng vụ Đông còn là vụ thu nhập chính của gia đình. Bởi vậy, nhiều năm qua, sản xuất rau vụ Đông được người dân tập trung phát triển không chỉ trên diện tích chuyên canh rau màu mà còn tận dụng quỹ đất ruộng sau khi thu hoạch lúa Mùa để mở rộng diện tích trồng rau vụ Đông trên đất ngô và lúa 2 vụ, UBND xã Phố Cáo đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút các doanh nghiệp, HTX, đặc biệt là Trung tâm Giống cây trồng Phố Bảng hỗ trợ giống và phương pháp kỹ thuật cho người dân tham gia sản xuất nông nghiệp để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả, đến nay toàn huyện đã trồng được 981 ha rau đậu các loại. Tổng sản lượng ước đạt 3,6 tấn. Trong đó có một số mô hình liên kết nổi bật như: Mô hình trồng rau su hào lấy hạt và lấy củ, thực hiện 2 ha tại thôn Lùng Lú, thị trấn Đồng Văn do Hợp tác xã Minh Châu thực hiện, sản lượng ước đạt 500 kg hạt, giá trị ước đạt 170-180 triệu đồng, tổng giá trị mô hình cho thu khoảng 200 triệu đồng/ha; Dự án liên kết sản xuất rau chuyên canh tại xã Lũng Cú, hỗ trợ 1 dự án, diện tích 1 ha do hợp tác xã Thèn Pả, xã Lũng Cú ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 20 hộ trong tổ hợp tác trồng rau. Các dự án hỗ trợ trồng rau chuyên canh, xây dựng 5 dự án/5 xã, thị trấn, diện tích thực hiện 20 ha, tổng kinh phí 230 triệu đồng từ Chương trình 135, 30a. Để xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, UBND huyện Đồng Văn đã chỉ đạo các xã, thị trấn giữ ổn định diện tích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Khuyến khích các HTX, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Bài, ảnh: Nông Bình Nhu  (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã nghèo Hương Sơn về đích

BHG - Đến nay, xã Hương Sơn (Quang Bình) cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới (NTM). Thành quả này là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường sớm đưa quê hương thoát khỏi vùng 135. 

10/12/2020
Thoát nghèo từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách

BHG - Thời gian gần đây, ở nhiều thôn trên địa bàn xã Vĩ Thượng (Quang Bình) bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Bác Hoàng Thị Nụ, thôn Trung Thành, xã Vĩ Thượng là người đầu tiên trong xã thành công với mô hình này.

 

10/12/2020
Quản Bạ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

BHG - Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công được UBND huyện Quản Bạ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương. Chính vì vậy, huyện Quản Bạ đang tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện hồ sơ giải ngân theo tiến độ được giao.

 

10/12/2020
Gỡ khó quy hoạch đô thị Yên Minh

BHG - Ngày 7.4.2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 438 phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn (Quy hoạch 438); thị trấn Yên Minh (Yên Minh) được quy hoạch là trung tâm du lịch sinh thái, đô thị xanh trên vùng Cao nguyên đá. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã phát sinh nhiều bất cập. 

10/12/2020