Góp phần cho những cánh rừng thêm xanh

12:54, 27/12/2020

BHG - Bằng việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và chi trả kịp thời, đúng quy định gắn với bảo vệ và phát triển rừng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, những năm qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Giang đã đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của nhân dân, huy động được sự vào cuộc của cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Cán bộ Viettel hướng dẫn người dân đăng ký nhận tiền DVMTR qua ứng dụng ViettelPay.
Cán bộ Viettel hướng dẫn người dân đăng ký nhận tiền DVMTR qua ứng dụng ViettelPay.

Chính sách chi trả DVMTR là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần cải thiện đời sống của người dân vùng núi sống bằng nghề rừng, trở thành nguồn lực lớn, giảm gánh nặng ngân sách cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về chính sách này, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền trên Báo Hà Giang, Đài PT – TH tỉnh; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền đến từng thôn bản, gia đình; truyền thông trong trường học nhằm nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên về ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng. Trong năm 2020, Quỹ đã phối hợp tuyên truyền cho học sinh THCS tại 5 trường học trên địa bàn các huyện Bắc Mê, Quang Bình và thành phố Hà Giang. Ngoài ra còn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng biển báo tại khu vực được chi trả tiền DVMTR, bảng quy định chức năng, nhiệm vụ của UBND xã, phường, thị trấn, trưởng bản, tổ dân phố trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR để nhân dân nắm rõ.

 Những cánh rừng tự nhiên ở xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) luôn được bảo vệ tốt.
Những cánh rừng tự nhiên ở xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) luôn được bảo vệ tốt.

Công tác chi trả tiền DVMTR luôn được Quỹ thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng quy định. Tổng số tiền DVMTR và trồng rừng thay thế đã thu trong năm 2020 là 213.848,859 triệu đồng và đã chi trả đầy đủ, kịp thời cho các chủ rừng. Đặc biệt, năm 2020 Quỹ đã thực hiện thanh toán 100% tiền DVMTR qua đơn vị dịch vụ chi trả (bên thứ 3) là Ngân hàng, Kho bạc nhà nước và Bưu điện. Qua đó, đã góp phần đảm bảo tính công khai minh bạch, an toàn, giảm chi phí quản lý, rút ngắn thời gian thanh toán trong công tác chi trả tiền DVMTR cho người dân tham gia bảo vệ rừng.

Việc chỉ trả kịp thời tiền DVMTR đã góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng. Anh Đặng Văn Háu, Trưởng thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến (Vị Xuyên), cho biết: Nhiều năm trước đây, cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Tập quán đốt nương làm rẫy, lấy gỗ, lấy củi đã ảnh hưởng đến rừng và nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Được sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền huyện, xã, nhân dân đã từng bước thay đổi tập quán, ý thức bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, từ khi triển khai chính sách chi trả DVMTR, nhiều hộ dân đã xung phong nhận khoán bảo vệ rừng. Thôn cũng thành lập tổ xung kích bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, đưa vào quy ước thôn bản về định mức xử phạt các trường hợp xâm phạm rừng như gây cháy, khai thác gỗ, phá rừng làm nương, săn bắt thú rừng…

Anh Đinh Văn Chài, thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường (TPHG), chia sẻ: “Gia đình tôi có tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, số tiền DVMTR được chi trả hàng năm đã giúp gia đình tôi có thêm kinh phí để trang trải cuộc sống, đặc biệt đầu tư mua thêm giống cây trồng, vật nuôi, phân bón để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình”. Bên cạnh việc cải thiện sinh kế cho các hộ, kinh phí từ DVMTR còn được nhiều thôn, bản sử dụng để thực hiện các công trình phúc lợi công cộng như: Xây dựng đường bê tông, công trình nước sạch, thủy lợi, tu sửa nhà văn hóa, trường, lớp học và phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Bên cạnh việc chi trả tiền DVMTR kịp thời, đúng đối tượng, hàng năm, Quỹ luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn như: Thường xuyên đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR kê khai, nộp tiền DVMTR theo đúng kỳ hạn; Phối hợp với phòng ban chuyên môn cấp huyện, UBND cấp xã triển khai thực hiện nghiệm thu công tác chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng trồng thay thế và rừng trồng mô hình giống tốt…

Có thể khẳng định, những năm qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã trở thành kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giúp cho những cánh rừng trên địa bàn tỉnh giữ mãi màu xanh.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trồng ngô sinh khối ở Hương Sơn

BHG - Hương Sơn là một trong những xã đi đầu của huyện Quang Bình về chuyển đổi diện tích lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối, với mục tiêu xây dựng và hình thành mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi; đang tạo lên bước ngoặt đổi đời cho hàng chục hộ dân trên địa bàn, với những lợi ích về kinh tế và môi trường sinh thái.

 

26/12/2020
"Vì tương lai xanh - thêm cây, thêm sự sống"

BHG - Thời gian qua, Agribank Hà Giang đã phát động phong trào "Một triệu cây xanh - Thêm cây, thêm sự sống". Phong trào này đã và đang góp phần thay đổi nhận thức, khuyến khích cán bộ, nhân viên, đoàn viên thanh niên Agribank Hà Giang tham gia chung tay cùng cộng đồng chống biến đổi khí hậu.

26/12/2020
Trồng rau sạch vụ Đông ở xã Xín Mần

BHG - Năm nay, xã Xín Mần là một trong những địa phương có diện tích rau, đậu, cây vụ Đông nhiều nhất của huyện Xín Mần. Nhiều hộ dân đã tận dụng diện tích đất vườn, đất trồng lúa để tăng vụ, qua đó đảm bảo nguồn thực phẩm cho gia đình và tăng thu nhập. 

26/12/2020
Agribank Bắc Vị Xuyên tích cực hỗ trợ tín dụng phát triển kinh tế

BHG - Thời gian qua, Phòng Giao dịch (PGD) Agribank Bắc Vị Xuyên đã làm tốt vai trò cầu nối đưa chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh doanh dịch vụ đến với người dân. Từ nguồn vốn của Agribank đã góp phần giúp người dân thay đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, từng bước giảm nghèo.

25/12/2020