Định vị sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch

09:10, 24/12/2020

BHG - Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid – 19, nhưng ngành Du lịch (DL) đã phục hồi mạnh mẽ vào những tháng cuối năm; khách DL đến tỉnh đạt 1,5 triệu lượt người; doanh thu DL ước đạt trên 2.475 tỷ đồng.

Khách du lịch mua sản phẩm dược liệu của huyện Quản Bạ tại gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Khách du lịch mua sản phẩm dược liệu của huyện Quản Bạ tại gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Tỉnh ta được thiên nhiên ưu đãi nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu như chè Shan tuyết, cam Sành, mật ong Bạc hà, Hồng không hạt,... và các loại dược liệu quý. Bên cạnh đó là sự phát triển các làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm độc đáo từ thổ cẩm, khèn Mông, chạm bạc, bánh chưng gù… Thực tế, kinh nghiệm phát triển DL từ các nước trên thế giới và nhiều tỉnh, thành trong nước cho thấy, để khách DL lưu trú dài hơn, có thời gian khám phá và mua sắm, cần tạo ra các sản phẩm hàng hóa phục vụ DL hấp dẫn, đa dạng, đặc biệt là đặc sản mang tính vùng miền.

Những năm qua, để bảo tồn và phát triển nghề dệt vải lanh truyền thống của đồng bào Mông trên Cao nguyên đá, HTX dệt lanh Lùng Tám, xã Lùng Tám (Quản Bạ) đã rất thành công khi giới thiệu, quảng bá và đưa sản phẩm dệt lanh trở thành sản phẩm DL độc đáo, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Từ những mẫu mã đơn giản, đơn hàng nhỏ, đến nay, HTX đã thực hiện nhiều đơn đặt hàng lớn cả trong và ngoài nước. Các mẫu mã được thiết kế đẹp mắt, vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của du khách; đặc biệt HTX nhận thực hiện các sản phẩm theo yêu cầu của du khách. Với mỗi đoàn khách DL ghé thăm, trải nghiệm tại HTX dệt lanh Lùng Tám, thật khó cưỡng lại trước sự hấp dẫn, gọi mời của một món quà lưu niệm nhỏ xinh được chính những người phụ nữ Mông tỉ mẩn làm nên qua nhiều công đoạn. Nhờ bắt kịp với xu thế phát triển DL của tỉnh, HTX dệt lanh Lùng Tám ngày càng lớn mạnh, tạo nhiều việc làm cho phụ nữ địa phương.

Có mặt tại nhiều sự kiện DL trong và ngoài tỉnh, sản phẩm chè Shan tuyết của HTX chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) đã chiếm trọn sự tin tưởng của du khách khi nhiều người đã chọn sản phẩm chè Shan tuyết Phìn Hồ để mua làm quà cho người thân, bạn bè. Bên cạnh đó, một trong những sản phẩm đặc sản địa phương được du khách quan tâm là các loại dược liệu, bởi Hà Giang có rất nhiều loại dược liệu quý mà ít địa phương nào có được.

Nhận thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển sản phẩm hàng hóa và DL; những năm qua, tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo phát triển mạnh mẽ các sản phẩm hàng hóa địa phương, trong đó nổi bật nhất là chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Năm 2020, có 266 sản phẩm đăng ký thực hiện chương trình OCOP thuộc 6 nhóm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ DL nông thôn, có trên 120 sản phẩm được đánh giá từ 3 - 4 sao. Tỉnh cũng tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương đến đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt tham gia các gian hàng trưng bày sản phẩm địa phương tại các hội chợ, sự kiện DL trong và ngoài tỉnh để giới thiệu đến du khách. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản của tỉnh. Trong năm đã tuyển chọn, phê duyệt danh mục các sản phẩm đặc sản của tỉnh với 1 nhãn hiệu chứng nhận, 2 nhãn hiệu tập thể và 5 nhãn hiệu độc quyền; hỗ trợ 20 doanh nghiệp, HTX cập nhật thông tin đối với 30 sản phẩm hàng hóa trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc; cấp mã QR code sản phẩm cho 91 doang nghiệp, HTX với 215 mã sản phẩm tiêu biểu của tỉnh; duy trì, cập nhật thường xuyên thông tin trên sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, tỉnh đã xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại địa chỉ “hagiangtrace.com” với sự tham gia của 50 doanh nghiệp, HTX và 115 sản phẩm; thiết lập thông tin và cấp 418.000 tem thông minh truy xuất nguồn gốc cho nhóm 4 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh gồm: Cam, chè, mật ong, dược liệu. Toàn tỉnh có 106 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 6 chỉ dẫn địa lý (Hồng không hạt Quản Bạ, gạo Già Dui Xín Mần, cam Sành, chè Shan tuyết, thịt bò, mật ong Bạc hà Mèo Vạc); 7 nhãn hiệu chứng nhận; 9 nhãn hiệu tập thể và 84 nhãn hiệu thông thường. Qua đó giúp định vị được thương hiệu đặc sản địa phương; du khách dễ dàng tìm hiểu các thông tin về sản phẩm để chọn mua những sản phẩm chất lượng, uy tín.

Số lượng hàng hóa tuy đã phong phú, đa dạng nhưng sản phẩm đạt tiêu chuẩn phục vụ DL chưa có nhiều, phần lớn các sản phẩm dưới dạng thô, chưa đầu tư nhiều về nhãn mác, quy cách đóng gói nên gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo quản. Đặc biệt, công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất hàng hóa còn đơn giản, quy trình sản xuất thủ công nên sản phẩm chưa bảo đảm chất lượng, khả năng thâm nhập những thị trường khó tính thấp. Để phát triển mạnh mẽ các sản phẩm hàng hóa phục vụ DL, cần nhiều giải pháp đồng bộ: Tập trung kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị DL, trong đó khuyến khích kinh doanh sâu từng sản phẩm; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm đặc trưng phục vụ DL; nâng cấp, mở rộng chuỗi sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm; phát triển làng nghề và hình thành các địa điểm mua sắm tại làng nghề truyền thống phục vụ DL. Đặc biệt chú trọng thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm để định giá sản phẩm trên thị trường.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trao giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020

BHG - Chiều 23.12, tại Sở Công thương, Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tổ chức trao giải sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Dự buổi lễ có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng bình chọn; lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố.

24/12/2020
Đậm đà bản sắc Hà Giang ở thành phố Hà Tĩnh

BHG - Vượt quãng đường dài gần nghìn km, những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc đã có mặt tại thành phố Hà Tĩnh và đem tình cảm, hương vị vùng cao đến với người tiêu dùng miền Trung yêu dấu. Với hơn 100 sản phẩm OCOP mang thương hiệu Hà Giang đã tạo nên nét chấm phá cho Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ 4, năm 2020 do tỉnh Hà Tĩnh tổ chức từ ngày 18 – 20.12 vừa qua. 

23/12/2020
Phát triển nông nghiệp hàng hóa hướng đi bền vững ở Hoàng Su Phì

BHG - Là huyện vùng núi đất phía Tây của tỉnh, Hoàng Su Phì có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân. 

23/12/2020
Đẩy mạnh thanh toán điện tử

BHG - Hiện nay trên địa bàn tỉnh, các ngành như: Ngân hàng, Giáo dục, Bảo hiểm xã hội (BHXH), điện, nước… đã, đang đẩy mạnh việc thực hiện thanh toán điện tử hay thanh toán không dùng tiền mặt.

 

23/12/2020