Diện mạo mới trên đất Tát Ngà

13:58, 06/12/2020

BHG - Hình ảnh những con đường bê tông nông thôn khang trang; hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được tu sửa, xây mới; hình ảnh người nông dân hăng say lao động sản xuất… là những yếu tố góp phần tạo cho bức tranh toàn cảnh xã Tát Ngà (Mèo Vạc) thêm sinh động, tươi sáng.

Trống làng của đồng bào dân tộc Giáy thôn Tát Ngà.
Trống làng của đồng bào dân tộc Giáy thôn Tát Ngà.

Thôn Tát Ngà là một trong những điểm sáng của xã Tát Ngà về phát triển kinh tế và du lịch. Gần 3 năm sau khi được công nhận thôn đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) và công nhận Làng văn hóa du lịch cộng đồng, diện mạo của thôn Tát Ngà ngày càng có nhiều khởi sắc. Bí thư Chi bộ thôn, Vi Văn Niền, cho biết: Với đa phần là đồng bào dân tộc Giáy cùng nhiều nét văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ, như: May, dệt trang phục dân tộc, múa trống, kiến trúc nhà sàn truyền thống… đã tạo lợi thế giúp thôn phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, Chi bộ thôn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân lao động sản xuất, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa cũng như đi lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tạo nguồn thu nhập ổn định. Đồng thời, duy trì hoạt động của đội văn nghệ dân tộc Giáy, cũng như tăng cường vận động người dân đóng góp kinh phí để chỉnh trang, xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất chung của thôn nhằm thu hút du khách…

Nhuộm vải chàm đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân thôn Thăm Noong.
Nhuộm vải chàm đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân thôn Thăm Noong.

Cách thôn Tát Ngà hơn 10 km, những năm gần đây, thôn Thăm Noong cũng có nhiều đổi mới đáng ghi nhận. Nổi bật như mô hình trồng cây chàm đang được phát triển và nhân rộng trên phạm vi toàn thôn, mang lại cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân. Năm 2018, mô hình trồng cây chàm theo hình thức đầu tư có thu hồi được xã Tát Ngà thực hiện tại thôn Thăm Noong với diện tích 22 ha/22 hộ nghèo và cận nghèo. Đến nay, mô hình được nhân rộng lên 25 ha/36 hộ thực hiện; cho thu nhập trung bình mỗi năm từ 50 – 100 triệu đồng/hộ. Bà Nùng Thị Lìn, thôn Thăm Noong, cho biết: Nhận thấy cây chàm là cây có giá trị kinh tế cao, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 500 m2 đất vườn không hiệu quả sang trồng chàm. Cây chàm dễ trồng, ít sâu bệnh hại, sau khoảng 1 năm đã có thể cho thu hoạch. Khi thu hoạch có thể bán ở dạng tươi hoặc pha chế thành nước để nhuộm vải. Hiện nay, thu nhập từ bán vải nhuộm chàm là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Sau khi nhuộm thành phẩm, mỗi tấm vải chàm có giá từ 600 nghìn đồng – 6 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã thu về gần 100 triệu đồng từ bán vải nhuộm chàm.

Không chỉ ở thôn Tát Ngà hay Thăm Noong, phong trào thi đua phát triển kinh tế cũng xuất hiện trên khắp địa bàn xã Tát Ngà. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, Lù Văn Chổm, cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành, diện mạo nông thôn của xã đã có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu, có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Nổi bật như các mô hình: Trồng rau an toàn, lúa Khẩu mang, trồng và nhuộm vải chàm hay chăn nuôi bò hàng hóa, phát triển dịch vụ homestay… Cùng với chú trọng phát triển kinh tế, người dân trên địa bàn xã còn tích cực hưởng ứng các hoạt động xây dựng NTM, như: Hiến đất, mở mới, xây dựng đường giao thông nông thôn; xây dựng công trình thắp sáng đường quê; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống tốt đẹp và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu… Từ những chuyển biến tích cực đó, đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã ước đạt 21,6 triệu đồng/năm (tăng hơn 13 triệu đồng so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6%/năm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ nét…

Hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục lãnh, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa theo hướng trang trại, gia trại; cũng như chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, chất lượng cao của địa phương; đồng thời phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP nhằm đưa nền kinh tế của xã phát triển nhanh và bền vững, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tát Ngà cho biết thêm.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

HTX cộng đồng Nặm Đăm phát triển kinh tế từ cây dược liệu

BHG - HTX cộng đồng Nặm Đăm được thành lập ngày 28.8.2014 theo Quyết của UBND huyện Quản Bạ, HTX gồm 29 thành viên, tổng vốn điều lệ 2 tỷ đồng, 22 ngành nghề kinh doanh; trong đó, ngành nghề chủ yếu là trồng và chế biến các sản phẩm dược liệu, kinh doanh các ngành nghề, như: Tắm lá thuốc; xông hơi, dịch vụ lưu trú; điều hành tua du lịch… Sau hơn 5 năm hoạt động, HTX đã phát huy được hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu mang lại thu nhập cao cho các thành viên.

 

06/12/2020
Vị Xuyên đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn

BHG - Xác định kết cấu hạ tầng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển KT – XH; những năm qua, huyện Vị Xuyên tập trung chỉ đạo, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn hoàn thiện và đồng bộ.

05/12/2020
Tăng cường giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn

BHG - Chiếm khoảng 43% tỷ lệ thanh niên toàn tỉnh, đồng thời là lực lượng trẻ, có nhận thức tốt; lực lượng thanh niên nông thôn ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong công cuộc phát triển KT – XH và giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

05/12/2020
Nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới

BHG - Là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng Nông thôn mới (NTM), thời gian qua, các cấp, các ngành đã tập trung triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả thực hiện tiêu chí môi trường, giúp các xã  "về đích" NTM đúng lộ trình.

 

04/12/2020