Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
BHG - Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động, tinh thần, thái độ phục vụ của các cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức đối với người dân, doanh nghiệp theo hướng đồng hành và chia sẻ được tỉnh ta xác định là một trong những giải pháp “then chốt” nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Dự án Trung tâm thương mại, khách sạn, shop house Vincom Hà Giang của Tập đoàn VinGroup đang hoàn thiện. |
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành đã quan tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị hành chính công; thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư, công bố công khai danh mục dự án thu hút đầu tư, đảm bảo lựa chọn các doanh nghiệp đủ năng lực tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh. Do đó, các chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính thuộc chỉ số PAR Index, chỉ số thành phần “gia nhập thị trường”, “cạnh tranh bình đẳng” thuộc chỉ số PCI và chỉ số ICT Index của tỉnh đều thuộc tốp 20/63 tỉnh, thành phố. Số lượng đăng ký thành lập doanh nghiệp mới tăng trên 50% so với giai đoạn 2011 – 2015, với 683 doanh nghiệp. Lũy kế toàn tỉnh có 2.840 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; trong đó, có 2.094 doanh nghiệp ngoài Nhà nước được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp; nhiều dự án lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư có tác động tích cực tới phát triển KT – XH, như: Dự án Trung tâm thương mại, khách sạn, Shop house Vincom Hà Giang của Tập đoàn VinGroup; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ Neo của Tập đoàn FLC; dự án chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH…
Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua chịu tác động của một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu chặt chẽ, không ổn định. Bộ máy Nhà nước một số nơi chưa tinh gọn; công tác cải cách hành chính trong một số lĩnh vực chưa thực chất. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng hạn chế; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia…
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tỉnh ta tăng cường sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng đều và thực chất của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đặc biệt, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí, nội dung, cách thức đánh giá thông qua các chỉ số được công bố bởi các tổ chức quốc tế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động, tinh thần, thái độ phục vụ của các cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức đối với người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ; chú trọng cải cách thực chất, đơn giản hóa các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; rà soát lại chính sách ưu đãi đầu tư giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, bình đẳng, minh bạch, thông thoáng. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính; trong đó, rà soát, cải cách thủ tục hành chính chồng chéo, tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể như: Đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, thuế; sớm đưa chính quyền điện tử vào hoạt động; phát huy hiệu lực, hiệu quả của trung tâm hành chính công các cấp, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động.
Tăng cường thông tin quy hoạch, các tài liệu quy hoạch, kế hoạch phát triển KT – XH, ngân sách, thông tin mời thầu, các dự án đầu tư, các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ; đơn giản hóa, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, thuận lợi. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với hình thành và mở rộng chuỗi giá trị sản xuất, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, kết nối các đối tác kinh doanh trong và ngoài nước. Tăng cường tiếp cận và tư vấn ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ pháp lý, dịch vụ giới thiệu việc làm và hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao cho doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên phát triển của từng vùng, từng địa phương. Nghiên cứu thực hiện liên thông kết quả thanh, kiểm tra giữa các ngành, địa phương; thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, hạn chế tối đa phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp.
Tin tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt cùng với các giải pháp mang tính đồng bộ sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát huy nguồn lực của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII đề ra.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc