Phát huy vai trò hệ thống chính trị
BHG - Sau 10 năm triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), đã có 38 xã “về đích”, năm 2020 dự kiến thêm 7 xã đạt chuẩn, diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh đã khoác lên mình màu áo mới. Thành quả ấy ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và chung tay của cộng đồng.
Người dân thôn Khâu Bủng, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) làm đường giao thông. |
Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về xây dựng NTM tỉnh Hà Giang đến năm 2020. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là một trong 5 chương trình trọng tâm của tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là 1 trong 3 khâu đột phá, trong đó tiếp tục đầu tư, điều chỉnh phương thức hỗ trợ xi măng xây dựng các tuyến đường liên thôn, xóm theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong quá trình triển khai thực hiện, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. HĐND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách và quyết định các giải pháp tổ chức thực hiện những mục tiêu xây dựng NTM, tiêu biểu như: Nghị quyết số 74/2012/NQ-HĐND ngày 12.12.2012 về định mức hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho các công trình thuộc “Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2013 - 2020; Nghị quyết 209, 86, 29 về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh chủ động chỉ đạo các cấp, các ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM; giao nhiệm vụ phụ trách các xã phấn đấu đạt chuẩn cho từng đồng chí thường trực UBND tỉnh; thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện NTM trong các phiên họp thường kỳ hàng tháng.
Bên cạnh đó, do điều kiện đặc thù của Hà Giang, ngoài việc vận dụng sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết, quyết định, chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư; tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù riêng, như: Cụ thể hóa Bộ tiêu chí NTM cấp huyện, xã; xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; ban hành cơ chế phân bổ vốn, cơ chế đầu tư đặc thù; phát huy sự tham gia của cộng đồng và tổ chức chính trị - xã hội; ban hành Bộ tiêu chí xã NTM phù hợp với các vùng của tỉnh; ban hành các đề án: Một triệu tấn xi măng; hỗ trợ thôn khó khăn khu vực biên giới; mỗi xã một sản phẩm (Ocop). Các nguồn vốn được phân cấp đến cấp huyện, xã để chủ động lựa chọn nội dung thực hiện đảm bảo đạt mục tiêu, chỉ tiêu và quy định của chương trình. Qua đó, tạo quyền chủ động cho các huyện, xã và người dân trong thực hiện xây dựng NTM.
Các sở, ngành với chức năng, nhiệm vụ của mình luôn xác định “Chương trình xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các tiêu chí do ngành phụ trách; đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo kế hoạch. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực vận động hội viên thi đua thực hiện các phong trào gắn với công tác hội, như: Phong trào “Chung sức xây dựng NTM tỉnh Hà Giang”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; “Nhà sạch, vườn đẹp”; “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”. Qua đó đã huy động được đông đảo hội viên và toàn xã hội chung sức, đồng lòng, đóng góp tiền, ngày công, hiến đất xây dựng NTM. Đặc biệt chương trình xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo đã huy động được sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các huyện và thành phố tạo ra phong trào xây dựng NTM với khí thế thi đua sôi nổi, hầu hết các xã đã tích cực triển khai chương trình và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Năng lực cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở các cấp không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Giai đoạn 2016 – 2020, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp là Trưởng BCĐ các chương trình MTQG của tỉnh. 100% BCĐ xây dựng NTM cấp huyện, thành phố và cấp xã đều do Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban. Mỗi xã bố trí 1 công chức chuyên trách về xây dựng NTM; các thôn đều thành lập Ban phát triển thôn. Bộ máy chỉ đạo thực hiện chương trình NTM từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý, triển khai và thực hiện. Hoạt động của BCĐ và thành viên đi vào nề nếp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Thực tế cho thấy, địa phương nào hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, lãnh, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, khoa học, lấy chất lượng cuộc sống của người dân làm mục tiêu và đích đến, thì địa phương đó thành công và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Một trong những thành công quan trọng trong mục tiêu xây dựng NTM của Hà Giang chính là huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và chung tay từ người dân và cộng đồng.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc