Nhìn lại mục tiêu vươn khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn
BHG - Tháng 7.2016, Nghị quyết số 23/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thông qua kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, giai đoạn 2016 – 2020 ra đời; đánh dấu một chặng đường nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và nhân dân vì mục tiêu: Phấn đấu xây dựng Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của các tỉnh miền núi.
Cầu treo Vô Điếm (Bắc Quang) được đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. |
Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ra đời trong bối cảnh tỉnh ta vẫn là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn, đời sống nhân dân còn ở mức thấp, nguồn lực đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách T.Ư; hạ tầng giao thông yếu về năng lực kết nối vùng, miền. Mặc dù các chính sách hỗ trợ của T.Ư đã có nhưng chưa đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp lớn đến với địa phương... Để Nghị quyết số 23/NQ-HĐND đi vào cuộc sống, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các chính sách của T.Ư vào điều kiện cụ thể; ban hành một số chính sách đặc thù về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, du lịch, kinh tế biên mậu. Nhiều đề án, chương trình trọng tâm đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Tiêu biểu như các đề án: Một triệu tấn xi măng; tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; nửa triệu con đại gia súc; kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; quy tụ dân cư hay các chương trình tái cơ cấu kinh tế, phát triển vùng kinh tế động lực… Có thể nói, dưới sự lãnh, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của cấp ủy, chính quyền tỉnh, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cùng sự hỗ trợ của các Bộ, ngành T.Ư; tỉnh ta đã giành được nhiều kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực KT-XH, QP-AN.
Người dân xã Thanh Đức (Vị Xuyên) được Nhà nước hỗ trợ bể chứa nước |
Mặc dù trong tổng số 66 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh ta có 22 chỉ tiêu không đạt kế hoạch do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan; song, có đến 24 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 20 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Nhìn chung, các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản hoàn thành, từng bước đưa tỉnh ta ra khỏi tình trạng đặc biệt kém phát triển. Minh chứng điển hình cho thấy: Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh duy trì ở mức khá, bình quân cả giai đoạn đạt 6,8%. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng và tăng đều qua các năm; riêng năm 2020 đạt 26.372 tỷ đồng, tăng 1,63 lần so với năm 2015. Cùng với đó, tổng sản phẩm bình quân đầu người duy trì mức tăng trưởng khá, đạt 30 triệu đồng, tăng 49,3% so với giai đoạn trước. Cùng với kết quả này, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục có nhiều tín hiệu khả quan; riêng giai đoạn 2015 – 2020 đạt 44.694 tỷ đồng, tăng 71,3% so với giai đoạn trước. Tỷ trọng vốn đầu tư giữa khu vực nhà nước và ngoài nhà nước có sự chuyển dịch tích cực: Tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước đạt 27,9%, giảm 14,4% so với giai đoạn trước; trong khi đó, tỷ trọng của khu vực ngoài nhà nước tăng 72,1%. Điều này cho thấy, khả năng khai thác các nguồn lực của doanh nghiệp và nhân dân được nâng lên, tạo sự phát triển bền vững hơn cho nền kinh tế của tỉnh.
Không dừng ở kết quả trên, tỉnh ta còn chủ động tìm kiếm, tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng đối với các lĩnh vực trọng tâm phát triển của tỉnh. Chỉ từ năm 2016 đến nay, đã có 154 dự án được UBND tỉnh cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 16.232 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh ta còn thu hút được một số tập đoàn lớn đầu tư vào địa bàn, tạo đà tiên phong thúc đẩy các doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh. Điển hình có thể kể đến: Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại xã Phong Quang (Vị Xuyên) của Tập đoàn TH; Dự án Trung tâm Thương mại, khách sạn và nhà ở Shophouse Vincom Hà Giang của Tập đoàn Vingroup hay Tập đoàn FLC với Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ Neo tại thành phố Hà Giang...
Cùng với kết quả trên, khắc phục hạ tầng giao thông yếu về năng lực kết nối vùng, miền; tỉnh ta ưu tiên đầu tư nhiều công trình quan trọng, thiết yếu, như: cầu Suối Đỏ (km 76), cầu Cốc Pài (km 96) trên đường tỉnh ĐT.177 (Bắc Quang – Xín Mần); cầu Yên Biên mới (thành phố Hà Giang); đường Ngọc Đường – Tùng Bá – Thái An... Đồng thời, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành T.Ư khảo sát, bàn phương án đầu tư đường cao tốc nối Hà Giang với đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Hiện đã được Bộ GT-VT trình Chính phủ đưa vào Quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Bên cạnh đó, 100% xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm; 100% số thôn, bản có đường đi được xe cơ giới đến trung tâm. Không những vậy, hạ tầng đô thị được xây dựng, cải tạo, nâng cấp theo hướng văn minh, hiện đại. Các điểm, khu dân cư, đô thị mới được xây dựng theo đúng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt 16,2%. Trong tổng số 14 đô thị của tỉnh thì thành phố Hà Giang cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) đạt đô thị loại IV, 12 đô thị còn lại đạt loại V... Bên cạnh kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi, nước sạch được tỉnh quản lý tốt. Đến nay, tỷ lệ dân cư thành thị và nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh lần lượt đạt 92% và 86%. Còn hệ thống điện lưới cơ bản đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng và truyền tải điện năng. Hiện, 193/193 xã, phường, thị trấn được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện từ các nguồn đạt 95,4%. Đồng thời, 100% xã, phường, thị trấn có sóng điện thoại, internet với tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động toàn tỉnh đạt 98,5%; hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển đồng bộ theo khung giải pháp Chính phủ điện tử.
Từ những kết quả nổi bật trên có thể khẳng định, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tỉnh ta đã từng bước thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Đây là tiền đề quan trọng để nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu chính trị mới: Xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có KT-XH trung bình khá của cả nước.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc