Ngọt thơm mùa cam Vàng
BHG - Cuối Thu, tiết trời se se lạnh cũng là lúc mùa cam Vàng, đặc sản của Hà Giang được thu hoạch. Xuôi về các huyện vùng thấp, những người làm vườn đang tất bật thu hái trái cam chín vàng, mọng nước. Cây cam Vàng không những giúp người dân thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên đất quê hương.
Thu hoạch cam Vàng ở thôn Tân Bình, xã Tân Trịnh (Quang Bình). |
Về xã Đồng Yên (Bắc Quang), mùa này những vườn cam Vàng sai trĩu quả đang độ chín. Hiện, toàn xã có 198 ha trồng cam, trong đó, gần một nửa diện tích là cây cam Vàng. Với trình độ thâm canh và kinh nghiệm sau nhiều năm trồng cam, người dân trong xã đã không ngừng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc cam để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Theo tính toán của xã, mỗi ha trồng cam cho thu hoạch bình quân 10 tấn quả, thu nhập khoảng 70 - 100 triệu đồng. Nhờ đó, cây cam được xác định là thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, năm nay sức tiêu thụ còn chậm, người dân đối mặt với tình trạng được mùa, mất giá.
Anh Nguyễn Văn Hậu, thôn Phố Cáo, xã Đồng Yên (Bắc Quang) chăm sóc vườn cam Vàng. Ảnh: MỘC LAN |
Anh Nguyễn Văn Hậu, thôn Phố Cáo cho biết: “Nhà tôi trồng cam được 4 năm nay, với diện tích 1 ha và 600 gốc cam Vàng. Thường tôi hay dùng phân gà đã qua xử lý để bón cho cây, nhằm tạo độ tơi xốp đất và giúp cây cam sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc trừ sâu tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn. Đây là năm thứ 2 vườn cam cho thu hoạch, dự kiến được 10 tấn quả. Nếu như năm ngoái giá bán cam đạt 8 - 10 nghìn đồng/kg thì bây giờ thấp hơn và chỉ đạt 5 - 6 nghìn đồng/kg. Hầu như các nhà vườn đang bán lẻ, không có nhiều thương lái vào mua. Chúng tôi mong tỉnh, huyện và các ngành chuyên môn đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm cam Vàng”.
Cùng lãnh đạo xã Tân Trịnh, chúng tôi đến thăm vườn cam của ông Nguyễn Đình Trụ, thôn Tân Bình. Đây là một trong những vườn cam Vàng được đánh giá đẹp nhất huyện Quang Bình, có tổng số 1.300 gốc. Theo ông Trụ, bí quyết để chăm sóc cây cam phát triển bền vững là phải nhận biết và trị dứt điểm bệnh ghẻ lá trong năm đầu tiên hoặc năm thứ 2. Về phân bón, tốt nhất sử dụng hạt đậu tương đã ngâm rồi bón cho cây, mỗi gốc cần 0,5 kg hạt đậu tương. Đối với thuốc trừ sâu, dùng loại thuốc sinh học pha chế thêm tỏi, ớt, gừng để phun theo định kỳ. Khi cây bắt đầu cho quả nên treo bẫy để dụ ruồi vàng, côn trùng làm hại quả cam. Ông Trụ chia sẻ: “Bất cứ loại cây nào cũng vậy, khi đã trồng thì phải tâm huyết, tìm tòi và tiếp thu khoa học công nghệ để ứng dụng trồng trọt. Dù vườn cam của tôi mới trồng được 4 năm nhưng dự kiến cho thu hoạch 60 tấn quả, nếu giá bán ổn định sẽ được khoảng 350 triệu đồng”.
Tính đến hết năm 2020, diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh là 9.017 ha, tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Trong đó, cây cam Sành chiếm 80% tổng diện tích; cây cam Vàng gồm các giống: Cam Vinh, Xã Đoài, Đường Canh, Cao Phong, V2… đạt hơn 1.600 ha. Những năm qua, tỉnh chủ yếu triển khai hỗ trợ chương trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây cam Sành và có 4.268,9 ha đã đạt tiêu chuẩn. Các sản phẩm tham gia chương trình VietGAP được giám sát, đánh giá đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc, do vậy đã nâng cao sức cạnh tranh, thương hiệu cây cam. Niên vụ 2019 - 2020, giá trị sản xuất thu được từ cây cam đạt trên 990 tỷ đồng. Nhờ cây cam, nhiều hộ đã đổi đời vươn lên thành tỷ phú, xây dựng được nhà cửa khang trang, kiên cố, cuộc sống của người dân vùng trồng cam ngày càng đi lên.
Niên vụ 2020 - 2021, tổng sản lượng cam, quýt toàn tỉnh ước đạt trên 80 nghìn tấn. Với mong muốn vụ cam được mùa lẫn được giá, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, các hộ dân ký kết hợp đồng đưa cam vào tiêu thụ tại các hệ thống phân phối như: Big C, Hapro, Saigon COOP, Vinmart, các chợ đầu mối, sàn thương mại điện tử. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Công thương và Sở Công thương Thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông, xúc tiến, tiêu thụ cam tại thị trường Hà Nội. Hiện, các đoàn của tỉnh cũng đã đi giới thiệu, kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam tại các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An và tham gia hội chợ, hội nghị kết nối cung, cầu sản phẩm OCOP tại tỉnh Quảng Ninh. Cùng với đó, sở Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh nỗ lực phối hợp để hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam Vàng phục vụ hoạt động xúc tiến, quảng bá. Thông qua công tác xúc tiến, quảng bá, sản phẩm cam đã được đưa vào trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối các tỉnh, thành phố, mở rộng thị trường tiêu thụ cam cho người dân.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc