Mèo Vạc tạo sinh kế cho người dân từ chăn nuôi
BHG - Xác định chăn nuôi hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Mèo Vạc tập trung phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương.
Phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa giúp người dân xã Thượng Phùng (Mèo Vạc) nâng cao thu nhập. Ảnh: ĐẶNG KIM |
Mèo Vạc có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển chăn nuôi, nhất là các vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, giá trị kinh tế cao, như: Bò vàng, mật ong Bạc hà, lợn đen. Để thúc đẩy ngành chăn nuôi, huyện đã vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ về vay vốn, hỗ trợ chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác thụ tinh nhân tạo; triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Bò vàng, mật ong Bạc hà. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo phát triển tổng đàn, công tác tiêm phòng dịch bệnh và phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm được quan tâm; mở rộng chợ gia súc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương. Qua đó, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành chăn nuôi, thủy sản của huyện giai đoạn 2016 – 2020 tăng trung bình 20,01%; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2020 ước đạt trên 388 tỷ đồng, tăng 1,17 lần (tương đương trên 194 tỷ đồng) so với năm 2015; tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 51,36% trong cơ cấu nông, lâm nghiệp.
Chị Cáng Thị Mỷ (thứ 2 bên phải) thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc đầu tư gia trại nuôi chim Bồ câu Pháp. Ảnh: Trần Kế |
Đồng chí Hồng Mí Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mèo Vạc cho biết: Chương trình phát triển chăn nuôi góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác tổ chức trong phát triển chăn nuôi hàng hóa còn một số khâu chưa thực hiện tốt; chưa có nhiều mô hình trang trại, gia trại; liên kết giữa các vùng và các hộ dân, giữa các khâu từ chăn nuôi đến chế biến, tiêu thụ chuỗi sản phẩm hàng hóa còn rời rạc, thiếu bền vững; ứng dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi và chế biến còn chậm; tỷ lệ đàn gia súc được áp dụng thụ tinh nhân tạo đạt thấp; đầu tư phát triển con giống, chất lượng giống gia súc, gia cầm chưa đảm bảo; việc xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm từ gia súc chưa được quan tâm đúng mức; ngành chăn nuôi gặp rủi ro cao về dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt; việc tiếp cận các chính sách về chăn nuôi của người dân còn hạn chế; ý thức chủ động trong phòng, chống dịch bệnh và đói, rét cho đàn gia súc có lúc, có nơi chưa cao.
Nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, Mèo Vạc đang tăng cường hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp, quy trình, kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng chất cấm để bảo đảm chất lượng sản phẩm lâu dài, góp phần tạo thương hiệu đặc trưng giống của tỉnh và huyện. Tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm có nguồn gốc địa phương; khuyến khích phát triển đàn gia súc, gia cầm sinh sản để chủ động tạo nguồn giống tại chỗ; thực hiện tốt công tác bình tuyển đàn trâu, bò, lợn, dê sinh sản; thải loại những con giống không đủ tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng giống đàn trâu, bò. Quy hoạch, bố trí, khuyến khích hộ chăn nuôi đực giống, cái sinh sản với quy mô đàn để đảm bảo hiệu quả cao trong công tác phối giống trực tiếp và phối giống nhân tạo. Đẩy mạnh phương pháp thụ tinh nhân tạo cho con giống sinh sản; quy hoạch vùng trồng cỏ, ngô tập trung gắn với chế biến ngô hạt thành thức ăn tổng hợp, dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm trong mùa Đông; mở rộng một số cây thức ăn có hàm lượng tinh bột cao để bổ sung thêm thức ăn tinh cho đàn gia súc, gia cầm nhằm giảm giá thành thức ăn tinh trong chăn nuôi.
Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Nguyễn Cao Cường, cho biết: Để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và tạo sinh kế cho người dân, huyện tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ dân đầu tư dây chuyền, chuyển giao và ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất, chế biến thức ăn dinh dưỡng tổng hợp phù hợp với từng loại vật nuôi. Chỉ đạo các đơn vị phối hợp hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật chăm sóc gia súc, gia cầm theo đúng quy trình kỹ thuật, thời vụ; xây dựng, cải tạo chuồng trại bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; thực hiện các biện pháp chăm sóc, quản lý, phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn trâu, bò trong mùa Đông. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm hàng hóa đa dạng, nâng cao giá trị các sản phẩm.
Mặt khác, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, khuyến nông và người chăn nuôi về kiến thức, kỹ năng, quy trình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh thực hiện các mô hình khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi, như: Kỹ thuật thâm canh cỏ, chế biến thức ăn; kỹ thuật phòng, chống các bệnh thường xảy ra trên đàn trâu, bò; kỹ thuật thâm canh tăng năng suất trong chăn nuôi. Đẩy mạnh áp dụng linh hoạt các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi như: Chính sách hỗ trợ phát triển trâu, bò theo Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chương trình mỗi làng, xã một sản phẩm (OCOP); có chính sách đặc thù hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại, HTX, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất, chế biến hàng hóa trong chăn nuôi; tăng cường liên kết giữa các hộ dân, các tổ chức chăn nuôi trên địa bàn tham gia chuỗi giá trị trong chăn nuôi.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc