Giữ vành đai xanh biên cương Tổ quốc
BHG - Ngành lâm nghiệp (LN) chỉ phát triển bền vững khi các chương trình, kế hoạch, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; gắn rừng với người dân để bảo vệ môi trường sinh thái nhưng đồng thời cũng phải phát triển được kinh tế nghề rừng mới đảm bảo an sinh xã hội... Với quan điểm xuyên suốt này của cấp ủy, chính quyền tỉnh; ngành LN đã, đang khẳng định vị trí nền móng cho sự phát triển KT-XH bền vững, trở thành trụ đỡ không chỉ cho nông nghiệp mà còn đóng vai trò như một mái nhà sinh thái vùng thượng nguồn...
Cán bộ Kiểm lâm huyện Mèo Vạc tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Kế |
Tỉnh ta hiện có trên 576 nghìn ha đất LN với gần 460 nghìn ha đất có rừng. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện chương trình mục tiêu phát triển LN bền vững gắn với chính sách giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Theo đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng với định mức 15 triệu đồng/ha/4 năm đối với trồng rừng phòng hộ; 5 triệu đồng/ha/3 năm đối với huyện vùng thấp khi trồng rừng sản xuất và 8 triệu đồng đối với các huyện vùng cao; hỗ trợ bình quân 1 nghìn đồng/cây giống. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng; đầu tư dự án phát triển giống cây LN, hỗ trợ nâng cao năng lực cho hoạt động của kiểm lâm được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Không những vậy, để giúp người dân sinh sống liền kề với rừng thực hiện các hoạt động lâm sinh và sửa chữa cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm xóa đói, giảm nghèo; năm năm 2016, tỉnh ta đã hỗ trợ 101 cộng đồng dân cư vùng đệm; riêng năm 2020, bố trí vốn hỗ trợ 68 cộng đồng khu vực vùng đệm với định mức 40 triệu đồng/cộng đồng.
Cùng với kết quả trên, tỉnh ta thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình hỗ trợ gạo cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại 6 huyện vùng cao: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần theo chủ trương của Chính phủ. Chính sách này nhằm thu hút các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia hoạt động sản xuất LN để bảo vệ môi trường sinh thái, tạo sinh kế, từng bước thoát nghèo bền vững. Theo đó, tổng diện tích rừng được bảo vệ thông qua việc hỗ trợ gạo là hơn 157,4 nghìn ha với số khẩu được hưởng lợi lên đến gần 379 nghìn khẩu/74.820 hộ/1.166 thôn/112 xã, thị trấn. Có thể nói, đây là chính sách mang tính đặc thù, giàu giá trị nhân văn, ưu tiên cho người dân vùng cao biên giới tham gia bảo vệ rừng. Chính bởi vậy, công tác nhận, cấp phát gạo đến tay người hưởng lợi được tiến hành chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng, số lượng, chất lượng theo cơ chế giao tay 4 bên gồm: UBND xã, Ban quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Công ty Cổ phần lương thực Hà Giang cùng với hộ/nhóm hộ nhận khoán dưới sự giám sát của lực lượng kiểm lâm. Công tác cấp, phát gạo diễn ra công khai, minh bạch tại trung tâm các xã thông qua việc niêm yết danh sách hộ nhận gạo, định mức hỗ trợ, diện tích rừng được nhận gạo... Đặc biệt hơn, việc hỗ trợ gạo cho các hộ tham gia bảo vệ rừng diễn ra đúng thời điểm giáp hạt, đã giúp giải quyết, đảm bảo công tác an ninh lương thực trên địa bàn 6 huyện vùng cao.
Chỉ trong giai đoạn 2016 – 2020, cộng đồng dân cư tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đã nhận tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước gần 449 tỷ đồng. Có thể khẳng định, các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng mang tính xã hội, nhân văn cao. Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân các dân tộc vùng cao mà còn giúp họ nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng. Từ đây, số vụ phá rừng trái phép và cháy rừng có xu hướng giảm; tỷ lệ che phủ rừng không ngừng nâng cao, đạt 58% (tăng 3,16% so với năm 2015).
Đi liền với kết quả trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác công khai tài chính đối với các chương trình bảo vệ, phát triển rừng. Theo đó, danh sách các tổ chức, cá nhân nhận kinh phí khoán bảo vệ rừng từ các chương trình, dự án được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, thị trấn và thôn, tổ dân phố được người dân đồng tình, ủng hộ.
Có thể nói, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững đã góp phần duy trì hệ sinh thái rừng, nâng cao đời sống nhân dân vùng biên cương Tổ quốc. Bước đầu tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thông qua tuyên truyền, chi trả phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước... Hơn nữa, từ sự hỗ trợ còn tạo nên những khu rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng để nhân dân hưởng lợi lâu dài. Không những vậy, với diện tích rừng và chất lượng rừng không ngừng tăng đã từng bước góp phần tạo vành đai xanh bảo vệ biên cương Tổ quốc...
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc