Đồng Văn đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp

07:44, 18/11/2020

BHG - Cùng với việc xác định lấy nông nghiệp, phát triển du lịch làm trọng tâm; thời gian qua, huyện Đồng Văn đặc biệt quan tâm, coi trọng việc khai thác các lợi thế tiềm năng của địa phương trong phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN); qua đó, tạo chuyển biến tích cực và mang lại hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận.

Cơ sở sản xuất gạch bi của anh Dương Văn Tường, thôn Đoàn Kết, thị trấn Đồng Văn.
Cơ sở sản xuất gạch bi của anh Dương Văn Tường, thôn Đoàn Kết, thị trấn Đồng Văn.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Sùng Mí Sèo, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Văn, cho biết: Lĩnh vực công nghiệp, TTCN của huyện thời gian qua có sự phát triển đáng khích lệ; việc khôi phục và phát triển các ngành nghề TTCN không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân mà còn tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực phục vụ đời sống nhân dân và xuất bán ra thị trường. Điều này có vai trò rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương; trong đó phải kể đến sự phối hợp giữa huyện với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện trong việc cho các hộ, cơ sở sản xuất vay vốn để phát triển sản xuất đa ngành nghề với mức hỗ trợ lãi suất hợp lý, tuỳ thuộc vào quy mô, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Tuy nhiên, xét về quy mô thì còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm chưa đa dạng và phong phú nên giá trị kinh tế chưa cao. Đến nay, huyện mới chỉ có những sản phẩm, như: Khai thác quặng, sản xuất gạch bi, đồ thủ công mỹ nghệ; đây là những sản phẩm đã mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương, nhưng những sản phẩm này mới chỉ dừng lại ở dạng thô, chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước, giá trị xuất khẩu chưa cao... Để lĩnh vực công nghiệp, TTCN của huyện thực sự phát triển bền vững, việc quan trọng nhất là phải gắn đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động; cùng với đó là bồi dưỡng về kiến thức quản lý kinh tế, chiến lược kinh doanh sản xuất cho các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề nhằm giúp họ tiếp cận với thị trường và có tầm nhìn rộng hơn về lĩnh vực kinh doanh, sản xuất ngành nghề TTCN.

Theo thống kê hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Văn có hàng chục đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực: Khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản, chế biến nông - lâm sản với tổng số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng; qua đó, đã giải quyết việc làm cho hơn 1.300 lao động mỗi năm. Các đơn vị, doanh nghiệp đều mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm, như: Công ty TNHH Trường Anh, HTX Phong Hưởng, Thành Đô với lĩnh vực sản xuất, chế biến mật ong Bạc Hà, nước uống đóng bình; HTX Rượu Thiên Hương; HTX thêu dệt thổ cẩm Sà Phìn, Phó Bảng và hệ thống các Làng nghề truyền thống, như: Rèn, đúc các sản phẩm nông cụ, sản xuất các mặt hàng mây, tre đan, sản xuất hương và khai thác vật liệu xây dựng...

 Hoạt động sản xuất TTCN đã mở rộng đến tận thôn, xóm vùng sâu, vùng xa và đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hoá, giải quyết việc làm, đào tạo nghề mới cho bà con các dân tộc trong huyện. Tính trong 10 tháng của năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN của huyện đạt 127 tỷ đồng, đạt 87,6% kế hoạch năm. Trong đó, sản xuất 550 nghìn viên gạch, khai thác nước máy 108.000 m3, sản lượng rượu quy mô công nghiệp đạt 8 nghìn lít. Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới Quốc gia đạt 95%, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2019, lượng điện cung cấp đạt 13,2 triệu Kwh, doanh thu ước đạt 26,9 tỷ đồng. Hàng năm, cung cấp cho thị trường trong huyện khoảng hơn 200.000 sản phẩm dao, búa, lưỡi cày, cuốc các loại; sản xuất được hàng nghìn sản phẩm mây, tre đan, quần áo dân tộc và khoảng 2.000 kg thịt bò và thịt lợn treo. 

Phát triển TTCN là một trong những bước phát huy lợi thế của địa phương để giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Nếu có kế hoạch phát triển đúng đắn cùng sự đầu tư hợp lý, huyện Đồng Văn sẽ có thêm những mũi nhọn trong phát triển KT – XH; góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới trong những năm tới.

Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giải pháp phát triển sinh kế của người dân huyện Xín Mần

BHG - Trong chủ đề của Đại hội lần thứ 23, Đảng bộ huyện Xín Mần nhiệm kỳ 2020-2025 có đề cập đến thành tố "…nâng cao đời sống nhân dân, đưa huyện Xín Mần giảm nghèo nhanh, bền vững". Đại hội cũng xác định mục tiêu tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên 45 triệu đồng vào năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 6%.

18/11/2020
Phát huy vai trò "điểm tựa" của nhà nông

BHG - Toàn tỉnh hiện có trên 112.000 hội viên nông dân, là nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển KT-XH. Phát huy vai trò "điểm tựa" của nhà nông, Hội nông dân (HND) các cấp đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, tư vấn, dạy nghề giúp hội viên tiếp cận về vốn, KH-KT đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh. 

18/11/2020
Hoàng Su Phì chọn đúng khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững

BHG - Nhận diện rõ những khó khăn, thách thức và trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để chọn đúng khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới là điểm nhấn nổi bật trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đây sẽ là nền tảng, động lực quan trọng để Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn quyết tâm vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

 

17/11/2020
"Đòn bẩy" nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Hoàng Su Phì

BHG - Những năm qua, với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn và hỗ trợ cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nên chất lượng đời sống người dân trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì được nâng lên đáng kể. Các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã trở thành động lực, "đòn bẩy" quan trọng giúp các hộ vươn lên.

 

17/11/2020