Doanh nghiệp tăng tốc

10:12, 26/11/2020

BHG - Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Quang đang tăng tốc để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đây là tín hiệu vui cho cả doanh nghiệp và người lao động để họ vượt qua khó khăn của đại dịch Covid – 19.

Tập kết nguyên liệu tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty TNHH Nông sản Đầu Gấu - Cụm công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang).
Tập kết nguyên liệu tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty TNHH Nông sản Đầu Gấu - Cụm công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang).

Cụm công nghiệp Nam Quang những ngày cuối năm trở nên sôi động. Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Đầu Gấu, Hoàng Văn Bé cho biết: Đầu tháng 11, Công ty đã tiến hành khởi động toàn bộ dây chuyền sản xuất tinh bột sắn và bắt đầu thu mua sắn củ cho nông dân trong vùng. Mỗi ngày, doanh nghiệp thu mua và chế biến 100 – 120 tấn sắn củ từ các nơi mang về. Sau thời gian nghỉ vì dịch Covid - 19, những người lao động rất mong có việc làm để bảo đảm đời sống, thu nhập vào dịp cuối năm. Kèm theo đó, mùa thu hoạch sắn củ cũng vừa tới. Thời gian nông nhàn, bà con tranh thủ thu hoạch sắn đưa về nhà máy đã tạo thuận lợi cho Công ty tăng ca sản xuất. Nguyên liệu dồi dào, công nhân mong muốn có thêm việc làm để thêm thu nhập là những thuận lợi để doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm. Cũng thời gian này, một số nước đã khống chế tốt dịch bệnh đang từng bước mở lại giao thương, nhập khẩu tinh bột sắn. Tranh thủ những điều kiện đó, Công ty động viên người lao động tăng ca; tăng thưởng để cải thiện đời sống người lao động và có thêm tích luỹ tái sản xuất. Hiện nay, nhà máy đã sản xuất 3 ca/ngày đêm. Sản lượng tinh bột mỗi ngày/đêm ước đạt trên 60 tấn, tương đương mỗi tháng đạt sản lượng khoảng 1.600 – 1.800 tấn tinh bột, tạo đủ việc làm cho gần 70 lao động.

Bên cạnh nhà máy chế biến tinh bột sắn là không khí lao động đều tay của những người công nhân làm ván bóc thuộc các Công ty, doanh nghiệp thu mua, sản xuất ván bóc xuất khẩu tại khu vực Cụm công nghiệp Nam Quang. Công ty TNHH MTV Du lịch Bắc Quang đã phải tăng cường sản xuất ngay từ trung tuần tháng 10.2020 để kịp tiến độ giao hàng. Mỗi ngày, hệ thống máy bóc của doanh nghiệp đã sử dụng hàng trăm mét khối gỗ nguyên liệu, tương đương khoảng 3.000 m3 gỗ/tháng. Khối lượng gỗ chế biến trên tương đương với diện tích rừng khai thác mỗi tháng khoảng 110 ha rừng trồng trong 6 năm. Khảo sát thực tế cho thấy, huyện Bắc Quang có hàng chục cơ sở, nhà máy chế biến gỗ bóc xuất khẩu hoạt động nhộn nhịp. Ngành chế biến gỗ bóc tại Bắc Quang nói riêng và của tỉnh Hà Giang nói chung đang đà phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm. Và đây cũng là thời cơ, cơ hội để Bắc Quang thúc đẩy nền kinh tế lâm nghiệp từ trồng rừng kinh tế. Đồng thời, đặt ra cho các cơ quan quản lý, bảo vệ rừng nhiều thách thức cấp bách về công tác quy hoạch, phân định lại các loại diện tích rừng, đất rừng. Để từ đó, đề xuất với chính quyền các cấp có cơ chế hỗ trợ người dân trồng rừng; làm tốt công tác tuyên truyền khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên và thúc đẩy phát triển rừng trồng thành vùng nguyên liệu đủ lớn để phục vụ chế biến, xuất khẩu gỗ một cách bền vững. Phát triển kinh tế rừng còn mang lại lợi ích kép cả về kinh tế và môi trường cho trước mắt và mai sau.

Tại Công ty Cổ phần Chè Hùng An, Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Hà, cho biết: Công ty đang phải nỗ lực tìm kiếm các doanh nghiệp xuất khẩu mới để xuất hàng, giảm lượng hàng tồn kho. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn trước mắt, song doanh nghiệp cũng đã nhìn thấy ánh sáng phía trước. Tiết kiệm tối đa chi phí, tăng cường tìm kiếm các đầu mối, các doanh nghiệp có năng lực để xuất khẩu hàng tồn kho là mục tiêu của doanh nghiệp trong những tháng còn lại của năm 2020. Kèm theo đó, Công ty cũng đang gấp rút chuẩn bị đầy đủ vật tư, phân bón đáp ứng cho nhu cầu chăm bón vườn chè, bảo dưỡng máy móc, nhà xưởng và động viên người lao động cùng thắt lưng, buộc bụng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất ngay đầu vụ chè Xuân 2021. Công ty đang hy vọng, dịch Covid -19 được đẩy lùi, nhu cầu tiêu dùng chè, các sản phẩm chế biến từ chè tăng trở lại vào dịp cuối năm để doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá và từng bước hồi phục sản xuất.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Trung Hiếu, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng bám sát doanh nghiệp, đánh giá đầy đủ mức độ rủi ro của từng doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ phù hợp; chỉ đạo ngành Thuế giãn nợ thuế, khoanh nợ để các doanh nghiệp có thêm thời gian, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất. Các ngân hàng trên địa bàn cũng đã có nhiều giải pháp ưu tiên, hỗ trợ giảm lãi vay, cắt giảm lợi nhuận từ lãi suất tiền vay để hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong dịp cuối năm.

Bài, ảnh:  NGUYỄN MẠNH HÙNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế nông nghiệp

BHG - Xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, Agribank Chi nhánh huyện Xín Mần đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình tín dụng phục vụ cho người nông dân phát triển kinh tế trên địa bàn.

25/11/2020
Chị Bồn Thị Nẻo làm kinh tế giỏi

BHG - Thời gian qua, trên địa bàn xã Giáp Trung (Bắc Mê) xuất hiện nhiều gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, trong đó chị Bồn Thị Nẻo, hội viên (HV) Chi hội phụ nữ thôn Nà Viền được biết đến là một tấm gương sáng cho những HV khác noi theo. Bằng sự sáng tạo, nhạy bén, chị đã phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

 

25/11/2020
Tham vấn ý kiến xây dựng huyện Bắc Quang đạt chuẩn Nông thôn mới

BHG - Chiều 25.11, tại Nhà khách Hà An, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) huyện Bắc Quang tổ chức Hội nghị tư vấn vào Đề án xây dựng huyện Bắc Quang đạt chuẩn huyện NTM, giai đoạn 2021 – 2025. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

 

25/11/2020
Tín hiệu vui đầu niên vụ cam

BHG - Sau nhiều nỗ lực trong hoạt động xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm cam Hà Giang, ngày 19.11 vừa qua, những chuyến xe vận chuyển 65 tấn cam lòng vàng đầu tiên của niên vụ 2020 – 2021 đã cập bến hệ thống siêu thị VinMart (Hà Nội). Qua đó, không chỉ nâng tầm thương hiệu cam của tỉnh, mà còn thể hiện quyết tâm, cố gắng của các cấp, các ngành, nhất là Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến Công thương tỉnh trong việc đưa sản phẩm nông sản địa phương vươn ra thị trường, tạo nên hướng phát triển bền vững cho cam Hà Giang.

 

24/11/2020