Xây "con đường no ấm" ở Sủng Máng
BHG - Cho đến giờ, nhiều người dân xã Sủng Máng (Mèo Vạc) vẫn chưa hết bất ngờ về sự hình thành của những con đường bê tông nông thôn hôm nay. Vượt qua bao gian khó, giờ đây, những tuyến đường bê tông khang trang, sạch đẹp đang từng ngày mang lại cuộc sống ấm no cho người dân xã vùng cao này.
Lãnh đạo xã kiểm tra làm đường bê tông nông thôn. |
Xã Sủng Máng có 5 thôn với 2 dạng địa hình chủ yếu, gồm 4 thôn vùng núi đá và 1 thôn vùng núi đất. Với những khó khăn đặc trưng của dạng địa hình này, cùng xuất phát điểm của nền kinh tế thấp đã tạo ra những trở ngại lớn trong thực hiện tiêu chí giao thông của xã. Trước kia, người dân ở một số thôn chỉ đi lại bằng đường mòn, nhiều chỗ rộng chưa đầy 1 mét; nhưng nay, để làm đường bê tông, họ phải mở rộng nền đường trên 3 mét. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi họ phải thực hiện tại các thôn vùng núi đá; đặc biệt là những đoạn chênh vênh, hiểm trở phải dùng đến sức người mà máy móc không thể can thiệp được. Đối với thôn ở vùng núi đất, tuy có thuận lợi trong việc mở mặt bằng, nhưng thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất hoặc đường bị lầy lội khi mưa lớn, kéo theo đó là khó khăn về vận chuyển vật liệu. Thêm nữa, vật liệu làm đường tại chỗ như đá, bột đá lại không sẵn có như các thôn vùng núi đá. Ngoài ra, thiếu nước trộn bê tông là tình hình chung mà các thôn đều gặp phải. Khắc phục tình trạng này, người dân đã tạo ra các hố nhỏ chứa nước hoặc bố trí nhiều trạm máy bơm để lấy nước từ “hồ treo” với khoảng cách lên đến 2 km.
Bí thư Đảng ủy xã Sủng Máng, Nùng Thanh Sấn cho biết: Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện tiêu chí giao thông, tuy nhiên, lập trường của xã luôn xác định giao thông là yếu tố then chốt trong phát triển KT – XT, nhất là xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Do đó, Đảng ủy xã đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên tuyền, vận động và hỗ trợ người dân làm đường bê tông nông thôn; mục tiêu lớn nhất là giúp họ hiểu được giá trị của đường bê tông đem lại; nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân. Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay, người dân đã đóng góp trên 2.000 ngày công lao động để nâng cấp, mở rộng và bê tông hóa hơn 19 km đường giao thông nông thôn. Qua đó, nâng tỷ lệ bê tông hóa đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã đến trung tâm thôn đạt 100% và đường vào các nhóm hộ đạt 98%. Riêng năm 2020, xã phấn đấu làm mới 6,8 km đường bê tông nội thôn, tiến độ đến nay đã hoàn thành trên 60% kế hoạch.
Có thể khẳng định, chính sự khác biệt giữa con đường xưa và nay đã dần làm thay đổi nhận thức và tư duy của người dân xã Sủng Máng. Con đường hôm nay giúp họ đi lại dễ dàng, thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán hàng hóa. Từ lợi ích này, cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân đã mạnh dạn phát triển sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập. Hiện nay, toàn xã có 2 HTX về lĩnh vực may mặc trang phục dân tộc và dịch vụ vận tải, 185 hộ kinh doanh cá thể, 55 hộ làm hương, giấy bạc; 10 hộ làm nghề rèn, 21 xe ô tô chuyên chở hàng hoá, vật liệu xây dựng… Bên cạnh đó, người dân cũng tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Hiện, đàn gia súc toàn xã có gần 5.000 con (tăng hơn 1.600 con so với năm 2015), đàn gia cầm 27.000 con (tăng 10.000 con so với năm 2015); phát triển các mô hình trồng ngô năng suất cao và trồng rau an toàn tại thôn Sủng Máng, Sủng Nhỉ B… Không chỉ thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thông đi lại thuận lợi đã giúp học sinh đến lớp đỡ vất vả; nhờ vậy, tỷ lệ huy động học sinh ở các cấp học có sự chuyển biến tích cực, đạt trên 97%; chất lượng chuyển lớp, chuyển cấp đều tăng. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người toàn xã được nâng lên 22,5 triệu đồng/người/năm (tăng 15 triệu so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,79%/năm…
Năm 2020, xã Sủng Máng phấn đấu hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông, nhằm nâng tổng số tiêu chí NTM đã hoàn thành lên 12 tiêu chí. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển KT – XH của địa phương.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ