Người dân làm chủ trong thực hiện Chương trình 30a và 135
BHG - Trong phạm vi gói hỗ trợ người dân được lựa chọn loại hình hỗ trợ, được đích thân đi mua và sử dụng,… đó là cách làm mới trong việc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững thông qua các Chương trình 30a và 135 của Chính phủ. Từ sự thay đổi đó, tại huyện Bắc Mê, chương trình đã tạo sự hứng khởi và tính chủ động cho người dân trong việc nỗ lực giảm nghèo.
Nhóm hộ thôn Nà Đon, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê sử dụng vốn vay theo Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững mua máy nông cụ phục vụ sản xuất. |
Bắc Mê hiện có hơn 10 nghìn hộ nghèo, bên cạnh những cơ chế hỗ trợ của địa phương thì các chương trình giảm nghèo được coi là những “phao cứu sinh”, tạo động lực và thúc đẩy các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo. Chương trình giảm nghèo bền vững với việc hỗ trợ đa dạng sinh kế trên tất cả các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, máy nông cụ… đã tạo cho người dân có nhiều cơ hội lựa chọn, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu. Bên cạnh đó, các dự án giảm nghèo tập trung hỗ trợ các nội dung như: Đầu tư kết cấu hạ tầng sản xuất và sinh hoạt; hỗ trợ sản xuất và đa dạng hóa sinh kế của người nghèo; nâng cao chất lượng nhân lực ở huyện, xã nghèo tham gia xuất khẩu lao động nhằm nâng cao thu nhập và giảm nghèo; truyền thông về giảm nghèo và tiếp cận thông tin của người nghèo.
Từ nguồn vốn hỗ trợ, gia đình anh Triệu Quang Chính, thôn Nà Đon mở rộng quy mô chăn nuôi đại gia súc. |
“Nâng cao tinh thần tự lực, tự cường và bản thân người nghèo phải chủ động vươn lên…” được xem là nội dung cốt lõi của chương trình giảm nghèo. Theo đó, nhằm sử dụng tối đa hiệu quả nguồn vốn, đồng chí Nguyễn Văn Soi, Trưởng phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện Bắc Mê cho biết: “Với sự linh động của các cơ chế, bằng việc mở rộng các loại hình hỗ trợ đã tạo cho người nghèo có nhiều cơ hội thoát nghèo. Tuy nhiên, để sinh lợi từ nguồn vốn, ngoài việc để người dân tự lựa chọn loại hình hỗ trợ, chủ động mua cây, con giống thì huyện đã phối hợp với các ngành, xã, thôn định hướng như: Trước khi giải ngân, thành lập các đoàn xuống khảo sát nhu cầu của người dân, lợi thế của địa phương; để người dân họp bàn và đề xuất các hộ được hỗ trợ; bám sát các nhiệm vụ nghị quyết của Đảng bộ xã, nghị quyết HĐND; tiến hành kiểm tra tình hình sức khỏe, cơ sở vật chất, chất lượng máy nông cụ… đảm bảo không dịch bệnh, chất lượng tốt mới tiến hành giải ngân. Với việc nâng cao dân chủ đã giúp nguồn vốn hỗ trợ phát huy được hết lợi thế của mình…”.
Là thôn với phần đa là hộ nghèo, để người dân được sử dụng nguồn vốn, thôn Nà Đon, thị trấn Yên Phú đã lựa chọn lấy nguồn vốn hỗ trợ làm tài sản chung, thông qua việc chia thành nhóm sử dụng, lấy số tiền hỗ trợ mua máy nông cụ và mỗi nhóm sẽ có 4 hộ cùng mua, cùng sử dụng và cùng bảo vệ. Bên cạnh đó, những hộ được lựa chọn nhận nguồn vốn vay đã mạnh dạn và bỏ thêm vốn để mua những con giống tốt, từ đó góp phần nâng số lượng trâu, bò trong các hộ. Chia sẻ niềm vui, anh Triệu Quang Chính, hộ được hỗ trợ bò tại thôn cho biết: “Gia đình may mắn là hộ dân được sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, gia đình đã bỏ thêm vốn mua bò với số tiền 15 triệu đồng, được giống tốt, sau 4 năm từ con bò ban đầu đã có thêm được 3 con bò. Điều đó đã trở thành động lực, giúp gia đình mở rộng thêm các loại hình chăn nuôi như nuôi lợn, gà và mua máy nông cụ để phát triển sản xuất…”.
Tăng cường công tác kiểm soát đầu vào, giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng là chủ trương của huyện Bắc Mê trong việc triển khai các dự án hỗ trợ. Theo đồng chí Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Khác với cách làm trước đây là áp đặt cho người dân, định hướng người dân theo mình, nhưng nay quy trình đã ngược lại với việc để người dân chủ động, tự lựa chọn hình thức hỗ trợ, nhưng cũng đồng thời xiết chặt hơn trong công tác giám sát và giải ngân. Để không thất thoát nguồn vốn hỗ trợ thông qua việc giao nhiệm vụ và trách nhiệm cho từng ngành, xã, huyện thành lập các tổ kiểm tra với Tổ trưởng là lãnh đạo huyện trực tiếp xuống xã, thôn và hộ gia đình kiểm tra, khảo sát về hiệu quả của nguồn vốn. Qua đó, tăng cường trách nhiệm của huyện, xã và giúp người dân nhận thức được vai trò, tự giác nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn…”.
Các chương trình, dự án về giảm nghèo đã góp phần quan trọng về tăng trưởng kinh tế, hạn chế tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Từ những việc làm thiết thực đó, sẽ là nền tảng giúp huyện Bắc Mê hoàn thành mục tiêu giảm 400 hộ nghèo và đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2020 xuống còn 25,8%.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN