Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển rừng
BHG - Với quan điểm xuyên suốt: Phát triển lâm nghiệp bền vững cả về KT-XH và môi trường, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh; ngành Lâm nghiệp tỉnh đã có bước tái cơ cấu (TCC) để tạo giá trị vững bền.
Người dân xã Vô Điếm (Bắc Quang) khai thác mủ cao su. |
Thực hiện nội dung TCC ngành Lâm nghiệp được xác định tại Đề án TCC ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016 – 2020; UBND tỉnh đã phê duyệt diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp gần 568 nghìn ha (chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Trong đó, quy hoạch cho rừng đặc dụng trên 59,5 nghìn ha, hơn 276,6 nghìn ha cho rừng sản xuất và 231,8 nghìn ha cho rừng phòng hộ. Cùng với công tác quy hoạch, tỉnh ta đặc biệt quan tâm phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng rừng.
Theo đó, các loại giống cây lâm nghiệp tốt được đưa vào sản xuất với cơ cấu giống chủ yếu là keo Úc, keo lai, giâm hom (phục vụ trồng rừng sản xuất); Thông, Sa mộc, Tống quá sủ (phục vụ trồng rừng phòng hộ). Không những vậy, trên địa bàn tỉnh còn có 22 cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, góp phần tạo ra các rừng giống tốt, chất lượng cao. Điển hình trong đó, Công ty Cổ phần phát triển Nông, lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam, Chi nhánh Hà Giang hiện là cơ sở đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp sử dụng công nghệ cao. Các loại cây giống chất lượng cao như keo Úc, dược liệu quý hiếm (Thất diệp nhất chi hoa, Lan kim tuyến, Hà thủ ô đỏ, Sa nhân tím…) do doanh nghiệp sản xuất đã đáp ứng nhu cầu về giống cây trồng tốt của người dân trên địa bàn tỉnh.
Sản xuất ván bóc từ gỗ keo của Công ty TNHH MTV Pháo Nhung, xã Kim Ngọc (Bắc Quang). |
Không chỉ đưa giống tốt vào sản xuất, tỉnh ta còn tập trung đột phá về thâm canh rừng kinh tế có sử dụng cây giống tốt; phát triển kinh tế rừng trồng với tư duy mới: Đưa nghề rừng trở thành nghề chính tại các khu vực có tiềm năng. Và nay, lĩnh vực lâm nghiệp từng bước phát triển ổn định, bền vững từ khâu giống đến trồng, chăm sóc, khai thác, tiêu thụ và chế biến. Chỉ từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh thực hiện trồng hơn 38,7 nghìn ha rừng. Trong đó, diện tích rừng được trồng bằng cây giống tốt chiếm 38,2% tổng diện tích hiện có. Tại một số địa phương, mô hình trồng rừng bằng cây giống tốt tạo tín hiệu khả quan khi cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đó là mô hình thí điểm trồng 3 ha cây keo Úc, tại thôn Nặm Mái, xã Kim Ngọc và 5 ha cây Sơn ta tại thôn Linh, xã Bằng Hành (Bắc Quang). Riêng thị trấn Vị Xuyên và xã Đạo Đức (Vị Xuyên) thực hiện mô hình trồng cây keo nuôi cấy mô – một loại giống có phẩm chất, sức sinh trưởng và phát triển tốt. Với 3 mô hình này, 12 hộ dân tham gia được nhà nước hỗ trợ 100% cây giống trồng rừng, phân bón và được cán bộ chuyên môn tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật. Ấn tượng hơn, toàn tỉnh đã có trên 9,1 nghìn ha rừng được cấp Chứng chỉ rừng bền vững (FSC) của Hội đồng quản trị Rừng thế giới. Điều này tạo bước tiến vượt bậc trong quản lý rừng bền vững nhằm sản xuất, kinh doanh, chế biến, sử dụng gỗ một cách hợp pháp. Không những vậy, rừng được cấp Chứng chỉ FSC không chỉ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu mà còn có giá trị kinh tế cao hơn từ 10 - 15% so với rừng sản xuất thông thường…
Hàng năm, sản lượng gỗ khai thác từ rừng của tỉnh lên đến 43.500 m3, năng suất gỗ bình quân đạt 70 m3/năm. Việc phát triển rừng đã đẩy mạnh phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp ổn định cho các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ; hướng đến xây dựng và phát triển nền lâm nghiệp sản xuất hàng hóa đa dạng với nhiều thành phần kinh tế. Hiện, tỉnh ta đã có 3 nhà máy chế biến gỗ công nghiệp, gồm: Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Vị Xuyên (Khu Công nghiệp Bình Vàng – Vị Xuyên), Nhà máy sản xuất viên gỗ nén và Nhà máy ván ép công nghệ cao xuất khẩu tại Cụm Công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang). Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 276 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản, như: Bóc gỗ, băm dăm gỗ, đồ mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ... Vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến và cơ sở sản xuất gỗ chủ yếu là gỗ rừng trồng, tập trung tại các huyện: Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình.
Đi liền với kết quả trên, các chính sách đầu tư, hỗ trợ công tác bảo vệ, phát triển rừng được triển khai tại tỉnh mang tính xã hội, nhân văn cao; nhất là chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng (BVR), trồng, chăm sóc rừng trồng hay hỗ trợ gạo BVR... Với nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước lên đến gần 459 tỷ đồng đã giúp người dân và cộng đồng dân cư tham gia trồng, chăm sóc, BVR có thu nhập đáng kể để cải thiện đời sống vật chất. Thông qua các chính sách này còn góp phần quan trọng thay đổi nhận thức của người dân, cộng đồng về quản lý, BVR. Từ đó, giảm số lượng các vụ cháy rừng, khai thác rừng trái phép, tăng độ che phủ rừng từ 54,84% (năm 2015) lên 58% vào năm 2019 – về đích trước 1 năm so với mục tiêu xác định tại Đề án TCC ngành Nông nghiệp.
Phát huy những kết quả trên, tỉnh ta đang tiếp tục nâng cao vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội và toàn thể nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Trong đó, đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể, sâu sát, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư T.Ư Đảng: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý…”.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG