Mạch nguồn phát triển vùng đất phía Đông
BHG - Đường lớn đã mở, con đường xây ước mơ, chạy qua 7 xã thuộc địa phận thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên và Quản Bạ đã trở thành hiện thực. Con đường mới được trải nhựa rộng thênh thang, mang lại hạnh phúc vô bến bờ cho bao người dân, tạo mạch nguồn thúc đẩy phát triển KT - XH vùng đất phía Đông của tỉnh.
Công nhân sơn hộ lan đường, hoàn thiện công đoạn cuối cùng của đoạn đi qua xã Tùng Bá (Vị Xuyên). Ảnh: Hồng Cừ |
Trước khi nâng cấp, tuyến đường phía Đông của tỉnh là đường cấp phối, đường đất nhỏ hẹp, một bên núi cao, một bên vực sâu, đất đá lởm chởm, xe ô tô không thể di chuyển. Vào mùa mưa lũ, tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, vô cùng nguy hiểm. Những khó khăn về giao thông không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, còn cản trở lớn đến việc phát triển KT - XH của nhiều địa phương. Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền các xã và nhân dân luôn khao khát, mơ ước có một con đường đúng nghĩa để bà con có điều kiện mở mang dân trí, giao thương hàng hóa, thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu.
Năm 2017, Dự án nâng cấp đường giao thông liên kết các vùng phát triển KT - XH phía Đông của tỉnh, giáp ranh tỉnh Cao Bằng (đường tỉnh Ngọc Đường - Tùng Bá - Tráng Kìm) được tỉnh giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư. Công trình có quy mô đường cấp IV miền núi, dài 62,22 km, điểm đầu tại ngã tư Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) giao với Quốc lộ 34 tại km4, điểm cuối ra Quốc lộ 4C, kết thúc tại cầu Tráng Kìm, xã Cán Tỷ (Quản Bạ). Tổng mức đầu tư gần 894 tỷ đồng. Trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ 785 tỷ đồng; ngân sách địa phương 109 tỷ đồng.
Đây là công trình trọng điểm, tạo đà cho sự phát triển khu vực phía Đông của tỉnh. Với ý nghĩa to lớn và thiết thực, công trình ghi dấu ấn chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Dự án gồm 5 gói thầu thi công xây dựng. Công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, kiểm tra giám sát và giải phóng mặt bằng với tuyến đường dài 62,22 km, tổng diện tích đất thu hồi gần 100 ha của 11 cơ quan, đơn vị và 937 hộ dân phức tạp, khó khăn. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của người dân, thời gian giải phóng mặt bằng và đền bù được tiến hành nhanh chóng.
Giữa tháng 9.2018, công trình chính thức thi công; các hạng mục quan trọng nhất là xây dựng các cầu cống, đập tràn, các khúc cua và hạ mái ta luy dương, mở rộng nền đường. Trong 2 năm qua, trên đại công trường, hàng chục nghìn tấn xi măng, sắt thép, cát, đá được tập kết, phục vụ tốt nhu cầu thi công. Mỗi ngày có đến hàng trăm công nhân, phương tiện máy móc, chia làm các mũi thi công, người nào việc ấy bắt tay vào công việc với không khí sôi nổi.
Có thể nói, để làm nên con đường, hành trình phá đá mở đường là gian khổ và dày công nhất. Càng lên cao, càng đi xa thì càng gian nan, vất vả. Dọc tuyến có hàng trăm đỉnh đường cong, mặt đường cấp phối, đường đất phục vụ thi công hư hỏng trầm trọng, nhiều đoạn không có đường cũ, cây cối rậm rạp, um tùm. Đoạn km 37, thuộc địa phận xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) và đoạn km 47, xã Thái An (Quản Bạ) cực kỳ nguy hiểm, vách đá dựng đứng, cao đến 90 m. Cả năm trời, hàng chục công nhân treo mình trên vách đá, phía dưới là vực sâu thăm thẳm xuống tận dòng sông Miện, mà khoan, mà đục từng viên đá.
Chưa kể, do địa hình chia cắt, thời tiết khắc nghiệt, mùa Đông sương rơi dày đặc, mùa mưa hay xảy ra lũ lớn. Hứng chịu trận lũ lịch sử trong vòng 59 năm qua vào tháng 7.2020, trên địa bàn tuyến đường đi qua đã làm sạt trượt taluy dương, taluy âm với hàng chục nghìn m3 đất đá, mất toàn bộ mặt đường và hệ thống thoát nước trên một số khu vực. Đối mặt với những khó khăn, thử thách do thiên tai, bão lũ, các công nhân trên công trường phải chạy đua cả ngày lẫn đêm, tập trung khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông thông suốt cũng như chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, tiến độ và an toàn lao động.
Những ngày tháng 9, cán bộ Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh dẫn tôi đi dọc tuyến đường tỉnh Ngọc Đường - Tùng Bá - Tráng Kìm. Khác xa với hình ảnh của nhiều năm trước, con đường hiện ra trước mắt vô cùng đẹp đẽ, khang trang. Đoàn chúng tôi dừng chân tại km 37, nơi đây vốn được mệnh danh là một điểm khó và khổ nhất của tuyến đường. Đứng giữa không gian hùng vĩ, những con người đã từng góp công, góp sức xây dựng cung đường không giấu được niềm tự hào. Anh Trương Văn Long chia sẻ: “Tôi trực tiếp tham gia phá đá, mở đường, công việc này không đơn giản chút nào và luôn phải đối mặt với nguy hiểm. Con đường mới được hoàn thiện tôi vui lắm”.
Đối với cấp ủy, chính quyền các xã và người dân sinh sống dọc tuyến đường, sau bao nhiêu năm chờ đợi không giấu được niềm vui khi công trình giao thông được nâng cấp, mở rộng. Con đường mới được trải nhựa bằng phẳng đã mở ra cơ hội phát triển cho người dân nơi đây, đặc biệt là trong kết nối giao thương, tiêu thụ nông sản. Anh Kim Hữu Lượng, thôn Mịch A, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) cho hay: “Bây giờ chăn nuôi trâu, bò, gia cầm, thương lái vào tận nhà thu mua, tôi rất mừng”. Em Thào Thị Xuyến, thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ (Quản Bạ) bày tỏ: “Em đang học ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT, có con đường mới em xuống tỉnh học thuận tiện hơn, em sẽ cố gắng học tập, xây những ước mơ của mình thành hiện thực”.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết: “Tuyến đường phía Đông của tỉnh hoàn thành có vai trò liên kết vùng, phá vỡ thế độc đạo hiện tại của Quốc lộ 4C đoạn từ thành phố Hà Giang đi 4 huyện vùng Cao nguyên đá. Đồng thời, mở ra tuyến mới từ thành phố Hà Giang đi qua 4 huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc kết nối với huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) tại cầu Lý Bôn, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn lực phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN của các vùng trong khu vực. Dự án có tiến độ giải ngân nhanh nhất, về đích sớm một năm. Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tuyến đường được thông xe, nối dài những mơ ước, kỳ vọng về sự phát triển bền vững nơi vùng đất phía Đông của tỉnh”.
MỘC LAN