Họp cho ý kiến vào dự thảo Đề án cải tạo vườn tạp và phát triển cây ăn quả có múi
BHG - Sáng 8.10, Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh và Sở NN&PTNT chủ trì buổi họp cho ý kiến vào dự thảo Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án phát triển cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành và các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT.
Các đại biểu tham dự tại buổi họp cho ý kiến vào dự thảo 2 Đề án. |
Mục tiêu của Đề án cải tạo vườn tạp là thực hiện cải tạo, quy hoạch lại cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi từ diện tích vườn tạp, dự kiến đến năm 2025 sẽ công nhận khoảng 12.550 vườn tạp được cải tạo. Đề án nêu rõ nhiệm vụ, nội dung, giải pháp và định mức hỗ trợ cải tạo vườn tạp, trang trại. Dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 220 tỷ đồng.
Lãnh đạo Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh phát biểu tại cuộc họp. |
Trong Đề án phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, đến hết năm 2019, tổng diện tích cam, quýt toàn tỉnh có 8.865 ha, bưởi 151 ha. Trong đó, diện tích cam Sành cho thu hoạch trên 5.000 ha và đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 4.268 ha. Cây cam, quýt chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nông nghiệp của 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Tuy nhiên, sản phẩm cam, quýt của tỉnh giá thành không ổn định, bấp bênh. Đề án định hướng và đưa ra các giải pháp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cam, quýt cũng như các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách và đánh giá hiệu quả của Đề án. Tổng kinh phí đầu tư thực hiện trên 83 tỷ đồng.
Tại buổi họp, các đại biểu đồng tình với chủ trương và sự cần thiết ban hành các Đề án của tỉnh. Đồng thời, đưa ra các ý kiến đối với 2 đề án, liên quan đến điều kiện để đạt được hỗ trợ; định mức hỗ trợ, nhu cầu kinh phí; giải pháp duy trì Đề án sau đầu tư của các hộ thuộc phạm vi thực hiện. Ngoài ra, đưa ra tiêu chí cụ thể vườn cần cải tạo; có thể nghiên cứu giảm số lượng đối tượng thực hiện Đề án để tập trung nguồn lực hiệu quả hơn. Cùng với đó, có sự thống nhất đối tượng, phạm vi, mục tiêu thực hiện trong các Đề án, nâng cao vai trò của các huyện trong thực hiện Đề án.
Trên cơ sở các ý kiến tư vấn, góp ý, Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh và Sở NN&PTNT sẽ tiếp thu, tổng hợp để hoàn thiện 2 Đề án, sớm trình UBND tỉnh phê duyệt.
Tin, ảnh: MỘC LAN