"Vua trồng rừng" Lê Văn Bẩy
BHG - Sau gần 5 năm kiên trì thuyết phục người dân địa phương, anh Lê Văn Bẩy, thôn Mâng, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) cùng với 50 hộ của 3 xã Kim Ngọc, Bằng Hành, Thượng Bình trồng được trên 400 ha rừng kinh tế; góp phần phủ xanh toàn bộ diện tích đất trống, đồi trọc của 3 xã. Bây giờ, trong lúc chờ thu hoạch rừng, anh Bẩy quay sang làm trang trại tổng hợp (nuôi cá, ương ốc nhồi, trồng cây ăn quả),... lấy ngắn nuôi dài.
Anh Bẩy ương thành công giống ốc nhồi. |
Đi mất khoảng 15 phút, chiếc xe máy của anh Bẩy đã đưa tôi vào trang trại ở thôn Nậm Mái ngập tràn hương vị cuộc sống. Anh Bẩy hóm hỉnh: Ở đây có gà, vịt, cá, tôm, ốc nhồi, ốc vặn cùng rất nhiều hoa quả tươi rói,… ai ăn được gì cứ tha hồ anh nhé. Bật chiếc máy phun nước tạo ô xy cho đàn cá trong ao, anh Bẩy khoe: Ao này, em thả nuôi tổng hợp các loại cá ngắn ngày, như: Rô phi đơn tính, cá Mè, Trôi, Chép để tận dụng thức ăn và làm sạch ao nuôi. Cái ao nuôi ngắn ngày hiện đang có khoảng 4,5 tấn cá các loại. Dự kiến khoảng 3 tháng nữa mới thu hoạch; ước chừng đạt từ 5,5 – 6 tấn sản phẩm/1.200 m2 ao. Ao này cứ 2 năm thả 3 lứa, mỗi lứa nuôi, trừ các khoản chi phí cũng đủ nuôi vợ, nuôi con ăn học đấy anh ạ. Anh Bẩy ném một nắm thức ăn xuống ao cho lũ cá mơn chớn rồi dẫn tôi sang chiếc ao kề bên. Ao này có diện tích khoảng 1.300 m2 chỉ để nuôi 2 loại cá là Trắm cỏ và cá Coi Nhật Bản. Trắm cỏ nuôi 1 năm, trọng lượng bình quân từ 2,5 –3,5 kg/con; trong ao hiện đang có khoảng 2,2 – 3 tấn cá Trắm cỏ và khoảng nửa tấn cá Coi Nhật Bản bán vào dịp Tết cho các đại gia chơi Xuân cầu may đầu năm. Giá bán bình quân cho các thương lái tại ao, đối với cá Trắm cỏ là 60.000 đ/kg, cá Coi Nhật không dưới 500.000 đ/kg.
Trong gần 5 năm, anh Bẩy liên kết với 50 hộ dân trồng trên 400 ha rừng kinh tế. |
Để có đủ nguồn thức ăn cho đàn cá Trắm, chủ nhân đã dành khoảng nửa ha đất trong trang trại để trồng cỏ, trồng sắn vừa lấy lá, lại vừa lấy củ làm tinh bột sắn phối trộn thức ăn cho cá. Còn đây, chiếc ao nhỏ kề cạnh, anh Bẩy chia làm nhiều ô nhỏ; vừa để ương ốc nhồi, ốc vặn lại vừa để nuôi ốc thịt. Anh Bẩy cho biết: Ốc nhồi hiện đã có cả chục vạn con chưa kể ốc vặn. Giống ốc nhồi anh phải về Trung tâm Thuỷ sản Tuyên Quang vừa để học hỏi cách nuôi, chăm sóc ốc thương phẩm và để mua giống cho đúng loại thuần chủng mới đảm bảo sức sinh sản của ốc ương làm giống. Sau gần 1 năm vừa học, vừa nuôi, cả 2 loại ốc đều đã cho kết quả. Ốc nhồi sinh trưởng tốt và nhu cầu tiêu thụ cũng rất sáng sủa; với ốc vặn còn có thể thả nuôi thương phẩm tại các ruộng lúa vụ Mùa đem lại lợi nhuận kép. Trong đó, ruộng lúa có ốc được sục bùn, sạch sâu bệnh; còn cây lúa thì hấp thụ nhiều ô xy, phát triển tốt và cho năng suất, chất lượng gạo thơm ngon. Anh Bẩy dự kiến, vào vụ cấy lúa Mùa năm tới sẽ liên kết với một số hộ thôn Mái đem ốc vặn thả nuôi tại ruộng để mở rộng nuôi ốc thương phẩm cung cấp cho người tiêu dùng.
Trang trại tổng hợp của anh Lê Văn Bẩy. |
Trở lại câu chuyện anh Bẩy liên kết cùng 50 hộ trồng trên 400 ha rừng kinh tế từ năm 2014 đến nay đang trong giai đoạn đóng cửa rừng chờ ngày thu hoạch. Anh Ngọc Văn Yên, Nguyễn Văn Nối thôn Nậm Mái góp đất cổ phần với anh Bẩy trồng rừng, cho biết: Chúng tôi góp đất cùng anh Bẩy trồng rừng được hưởng 30% ngay sau thu hoạch rừng. Còn lại, toàn bộ chi phí đầu tư trồng rừng cho đến khi thu hoạch, anh Bẩy phải tự lo chi trả. Cụ thể: Tất cả diện tích rừng đã trồng đều được anh Bẩy thuê các hộ góp đất làm. Tiền trả công phát dọn, cuốc hố, bỏ phân,… mỗi ngày là 200.000 đồng/lao động. Còn, các hộ nhận làm trọn gói từ phát dọn, cuốc hố, bỏ phân, trồng cây, phát chăm sóc rừng sau 4 năm là 25 triệu đồng/ha. Vị chi, người dân góp cổ phần cùng anh Bẩy trồng rừng được hưởng 30% (lợi nhuận từ góp cổ phần bằng đất) + 25 triệu đồng/ha/ (tiền thuê cho chu kỳ trồng rừng kinh tế 8 năm/chu kỳ), tương đương khoảng 55 – 60% lợi nhuận/ha sau thu hoạch. Tôi nhẩm tỉnh, anh Bẩy hưởng lợi từ liên kết trồng rừng với các hộ là 70% nhưng phải đầu tư cả 100% để các hộ trồng rừng là việc làm không dễ. Ngoài ra, để thu hoạch được sản phẩm, anh Bẩy trồng rừng đến đâu là mở đường đến đó. Ước tính, sau gần 5 năm thực hiện liên kết với 50 hộ tại 3 xã, ở 7 thôn trong vùng, anh đã phải bỏ ra cả trăm triệu đồng để san, ủi, làm cả trăm km đường để đi lại, chăm bón rừng và thu hoạch sản phẩm. Đặt câu hỏi với anh Bẩy: Nếu, mỗi ha rừng chỉ thu lợi 100 triệu đồng mà anh đã trả cho các hộ liên kết ít nhất là 55 – 60% lợi nhuận, chưa tính chi phí làm đường thì liệu có lãi...? Anh Bẩy cười: Ở đời chẳng ai đi làm công không bao giờ. Tôi sẽ được lợi ít nhất là 12 – 15% về kinh tế/chu kỳ trồng rừng. Cứ 100 ha rừng thu hoạch, tôi sẽ thu lợi khoảng 1,2 – 1,5 tỷ đồng. Nhưng, cái được lớn nhất đối với tôi chính là nghĩa tình của người dân sống trong làng, ngoài xóm. Bí thư Đảng ủy xã Kim Ngọc, Lục Hải Xuyến, cho biết: Anh Bẩy đã làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế rừng tại Kim Ngọc trong mấy năm gần đây. Theo anh Bẩy trồng rừng, Kim Ngọc hiện không đất trống, đồi trọc. Cũng theo anh Bẩy liên kết làm ăn mà phần lớn các hộ nghèo ở Kim Ngọc, Thượng Bình,... đều đã dần thoát nghèo. Thời gian này, người dân thôn Nậm Mái (Kim Ngọc); Khuổi Lý, Khuổi Én (Thượng Bình); thôn Luông, thôn Lái (Bằng Hành) vẫn đến nhà, điện thoại hỏi thăm anh Bẩy làm thêm gì để làng xóm làm…
Bí thư Đảng uỷ xã Kim Ngọc, Lục Hải Xuyến; Bí thư Đảng ủy xã Thượng Bình, Lý Văn Phúc và Chủ tịch UBND xã Bằng Hành, Ngọc Văn Bảo đều chung một nhận xét: Anh Bẩy là người năng động, giàu nghĩa tình; dám nghĩ, dám làm và có bước đi vững chắc đem lại màu xanh cho kinh tế đồi rừng. Vài năm nữa, anh Bẩy thu hoạch rừng, kèm theo đó là cả mấy chục hộ dân liên kết trồng rừng với anh Bẩy cũng sẽ thoát khỏi khó khăn, vươn lên làm chủ cuộc sống.
Bài, ảnh: NGUYỄN HÙNG