Thúc đẩy phát triển kinh tế "kép" ở Vĩnh Tuy
BHG - Đại hội Đảng bộ thị trấn Vĩnh Tuy khoá XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định: “Giữ ổn định và mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Cụm công nghiệp Nam Quang. Phát huy lợi thế về thương mại, dịch vụ đô thị “cửa ngõ” phía Nam của tỉnh gắn với xây dựng NTM, xây dựng Vĩnh Tuy trở thành đô thị văn minh…”.
Máy phun PU hiện đại được lắp đặt tại Công ty Thái Hoàng. |
Thực tiễn cho thấy: Các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn đã tạo ra giá trị sản phẩm công nghiệp đạt trên 142,3 tỷ đồng, chiếm 53,4% trong cơ cấu kinh tế. Vĩnh Tuy hiện có 4 nhà máy hoạt động liên tục tại Cụm công nghiệp Nam Quang và 37 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chế biến chè, gỗ bóc, ván ép, đồ mộc gia dụng; gần 400 hộ kinh doanh, dịch vụ đang giải quyết công ăn, việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương. Cùng với đó, phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đang tạo ra những giá trị kinh tế lớn, từng bước đưa Vĩnh Tuy phát triển ngày một vững chắc.
Trong thời gian tiếp theo, chủ trương thu hút và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tại Cụm công nghiệp Nam Quang vẫn là mục tiêu hàng đầu của Vĩnh Tuy. Cụ thể: Vĩnh Tuy cam kết tạo mặt bằng sạch để đón nhà đầu tư. Hỗ trợ giải quyết nhanh, gọn, đúng trình tự pháp luật về các thủ tục hành chính. Cam kết lấy sự thành công của nhà đầu tư làm sự thành công của chính mình. Coi trọng và có ưu đãi riêng hỗ trợ các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, như: Chế biến, bảo quản cam, quýt và các sản phẩm tạo ra từ cam, quýt và chế biến, tiêu thụ chè. Thu hút và giải quyết việc làm cho người lao động địa phương để thúc đẩy công tác an sinh xã hội. Tiếp đó là kêu gọi đầu tư vào sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ rừng trồng. Hướng đến, các doanh nghiệp, nhà đầu tư liên kết cùng nông dân địa phương thu mua, bao tiêu hàng hoá nông, lâm sản. Cùng với các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) hình thành nền kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển ngay tại địa phương theo các chuỗi liên kết.
Tại Cụm công nghiệp Nam Quang, Công ty giấy Hải Hà mỗi năm sản xuất, xuất khẩu khoảng 2.900 tấn sản phẩm, doanh thu trên 25 tỷ đồng, giải quyết công ăn, việc làm cho 30 lao động địa phương; Công ty Thái Hoàng, mỗi năm sản xuất, xuất khẩu khoảng 90.000 m3 ván ép cao cấp sang Mỹ, Hàn Quốc, doanh thu trên 90 tỷ đồng, tạo việc làm cho 150 lao động; Công ty TNHH Hùng Hà mỗi năm thu mua, chế biến hàng nghìn tấn tinh bột sắn, góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nội địa. Ngoài ra, mỗi năm, 37 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã thu mua, chế biến, tiêu thụ hàng chục nghìn tấn chè búp tươi, sắn củ...
Thời gian tới, Vĩnh Tuy tổ chức và sắp xếp lại các HTX, THT. Chuyển dần từ sản xuất đa canh, quảng canh sang chuyên canh chất lượng cao. Áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất các sản phẩm OCOP như cam, chè, nuôi cá lồng trên sông Lô. Hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy các hoạt động thương mại, xúc tiến tiêu thụ và kết nối tiêu dùng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở rộng dịch vụ, kinh doanh; xây dựng các làng nghề như, nuôi cá lồng đặc sản sông Lô, trồng cam VietGAP ở Ba Luồng, trồng chè VietGAP ở Tự Lập, khai thác, chế tác đồ mộc dân dụng từ rừng kinh tế,... nhằm thúc đẩy các hoạt động du lịch, dịch vụ, giải quyết công ăn, việc làm tại chỗ cho nông dân.
Phát triển kinh tế theo mục tiêu kép ở Vĩnh Tuy chính là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản của địa phương theo chuỗi giá trị khép kín; thúc đẩy phát triển tiểu thủ công mỹ nghệ, tăng cường sản xuất tại các làng nghề; mở rộng hoạt động thương mại, dịch vụ... Quyết tâm đến hết năm 2025, xây dựng Vĩnh Tuy trở thành thị trấn NTM kiểu mẫu và trở thành đô thị văn minh. Phấn đấu, hết năm 2030, đưa Vĩnh Tuy trở thành đô thị loại IV phát triển bền vững ở cửa ngõ Hà Giang.
Bài, ảnh: NGUYỄN HÙNG