Mèo Vạc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

09:37, 21/09/2020

BHG - Sau 5 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” phù hợp với điều kiện của địa phương đã giúp Mèo Vạc chuyển dịch cơ cấu đúng hướng.

Thành viên HTX Tuấn Dũng chăm sóc đàn ong mật.
Thành viên HTX Tuấn Dũng chăm sóc đàn ong mật.

Thực hiện đề án, Mèo Vạc đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy của các cấp, ngành, địa phương, cán bộ và nhân dân trong huyện; kịp thời ban hành các kế hoạch, xác định mục tiêu, giải pháp và phân công trách nhiệm trong quá trình triển khai. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển một số sản phẩm chủ lực của địa phương; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa trong nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất theo hướng: Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện hiệu quả các mô hình sản xuất; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa đặc thù của huyện, gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức dạy nghề nông nghiệp và khu vực nông thôn để lao động có kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…

Cán bộ thú y xã Pải Lủng kiểm tra tình hình phát triển đàn bò ở thôn Ngài Lầu.
Cán bộ thú y xã Pải Lủng kiểm tra tình hình phát triển đàn bò ở thôn Ngài Lầu.

Với những giải pháp đồng bộ, sau 5 năm triển khai đã phát huy tiềm năng đất đai, lao động và những nét đặc trưng trong sản xuất của huyện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 13,35%; giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp năm 2020 ước đạt trên 755 tỷ đồng; tỷ trọng ngành Nông, lâm nghiệp chiếm 29,04% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị các sản phẩm đặc trưng gắn với xây dựng NTM, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch có nhiều chuyển biến; trong đó, ngành chăn nuôi phát triển vượt bậc; các sản phẩm chăn nuôi như: Bò vàng, lợn đen Lũng Pù, mật ong Bạc hà,... đã xây dựng được thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Hiện nay, Mèo Vạc có 8 sản phẩm thuộc 3 ngành hàng đạt chuẩn OCOP, gồm: 4 sản phẩm mật ong Bạc hà, 3 sản phẩm rượu và 1 sản phẩm thịt bò khô. Ngoài ra, một số sản phẩm, như: Thịt lợn đen Lũng Pù, gạo chất lượng cao, các sản phẩm dược liệu,… đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm đạt 4 sao OCOP; các sản phẩm này trở thành nguồn hàng hóa quan trọng góp phần tạo sinh kế cho người dân, trở thành nền tảng quan trọng trong quá trình giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Nguyễn Cao Cường, cho biết: Do xuất phát điểm nông nghiệp của huyện thấp, tập quán sản xuất quy mô nhỏ, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên; khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; sản xuất chịu nhiều rủi ro đã ảnh hưởng đến tâm lý mở rộng quy mô sản xuất của người dân. Mặc dù tạo chuyển biến tích cực trong cơ cấu ngành Nông nghiệp nhưng sau 5 năm triển khai, huyện nhận diện rõ việc lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương còn dàn trải; chưa chú trọng chất lượng các sản phẩm và thị trường tiêu thụ, dẫn đến giá trị sản xuất chưa cao, phụ thuộc vào biến động của thị trường; hỗ trợ tạo lập thương hiệu sản phẩm và chính sách tiêu thụ sản phẩm hạn chế. Mặt khác, hình thức tổ chức sản xuất theo quy mô HTX, tổ hợp tác, trang trại, gia trại phát triển chậm; liên kết trong sản xuất thiếu bền vững; giá thành sản xuất cao, trong khi đó chất lượng, sản lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa thấp, nhất là các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng phục vụ du lịch…

Để tiếp tục đẩy mạnh chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện đang tập trung nguồn lực, ưu tiên phát triển chăn nuôi; phát triển các loại cây rau quả ôn đới, cây dược liệu thành hàng hóa; gắn sản xuất nông nghiệp với Chương trình OCOP và du lịch. Tập trung phát triển một số sản phẩm đặc hữu, có tính cạnh tranh cao, như: Bò Vàng, mật ong Bạc hà, lợn đen Lũng Pù…

Bài, ảnh:  KIM TIẾN


Cùng chuyên mục

Hiệu quả thực hiện Đề án 1 triệu tấn xi măng ở Yên Minh

BHG - Đề án 1 triệu tấn xi măng của UBND tỉnh giai đoạn 2017-2020, đã mang lại hiệu quả tích cực với các địa phương trong toàn tỉnh. Đối với huyện Yên Minh, chương trình xây dựng NTM được cấp ủy, chính quyền huyện tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện và mang lại những hiệu quả tích cực, Đề án 1 triệu tấn xi măng đã góp phần thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện.

 

21/09/2020
Triển khai sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn qua T.p Hà Giang

BHG - Từ ngày 16.9, Công ty Cổ phần đường bộ 232 triển khai thi công sửa chữa nền mặt đường và hệ thống thoát nước Quốc lộ 2, đoạn Km 287 – 291 đi qua Tp. Hà Giang. Quốc lộ 2, đoạn đi qua T.p Hà Giang được cải tạo, nâng cấp từ năm 2010, đến nay đã xuất hiện một số hư hỏng cục bộ, mặt đường có hiện tượng trơn trượt,  độ nhám và độ bằng phẳng không đảm bảo, hệ thống vạch kẻ đường bị mờ, mất vạch kẻ làm giảm khả năng khai thác của tuyến đường, nguy cơ mất an toàn giao thông.

18/09/2020
Tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo

BHG - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện Yên Minh đã hỗ trợ xây dựng và nhân rộng thực hiện hàng trăm dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ dân, góp phần vào kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương.

 

18/09/2020
Đảm bảo "huyết mạch" của nền kinh tế

BHG - Muốn phát triển kinh tế, giao thông (GT) phải đi trước một bước; với tầm quan trọng đó, những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng GT đảm bảo tính kết nối, đồng bộ, đáp ứng cơ bản nhu cầu giao thương cho người dân. Toàn tỉnh hiện có 522 km đường Quốc lộ (QL); trên 310 km đường tỉnh lộ (TL); trên 220 km đường đô thị; 1.830 km đường cấp huyện và trên 5.140 km đường liên xã. 

17/09/2020