Mèo Vạc đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu

09:25, 24/09/2020

BHG - Mèo Vạc là huyện duy nhất của tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), có cặp cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng và các lối mở nối liền với các cặp chợ biên giới, thuận lợi trong phát triển kinh tế biên mậu. Từ lợi thế đó, địa phương đã xác định chiến lược phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo QP – AN, góp phần nâng cao đời sống nhân dân vùng biên.

Hoạt động giao thương tại chợ xã Xín Cái.
Hoạt động giao thương tại chợ xã Xín Cái.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Mèo Vạc quy hoạch chi tiết xây dựng cửa khẩu Săm Pun và trung tâm xã Sơn Vĩ, được UBND tỉnh phê duyệt. Hiện đã triển khai thực hiện 2 dự án san lấp mặt bằng, xây dựng nhà chợ tại khu vực cửa khẩu; xây dựng Trạm Kiểm soát liên ngành; hoàn thành nhà chợ, trục đường trung tâm, hệ thống điện chiếu sáng trung tâm xã Sơn Vĩ và hoàn thành đường ra Mốc 504. Bố trí kinh phí thực hiện 7 hạng mục công trình phục vụ phát triển KT – XH, phát triển kinh tế biên mậu tại các xã biên giới. Huyện Mèo Vạc và huyện Phú Ninh (Trung Quốc) đã tổ chức thông xe qua Mốc 456 và 476, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế mậu dịch biên giới.

Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Nguyễn Cao Cường, cho biết: Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa chống dịch vừa phát triển KT – XH, huyện đã tập trung chỉ đạo các lực lượng làm tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh; quản lý chặt chẽ các đối tượng ra vào địa bàn và biên giới, làm tốt công tác quản lý tạm trú, tạm vắng. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, hàng hóa, phương tiện xuất, nhập cảnh, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới giao lưu, thăm thân, trao đổi, mua bán hàng hóa. Do đó, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cặp cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng có sự tăng trưởng hàng năm, chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất, hàng xuất khẩu chuyển cửa khẩu. Hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới qua các ngày chợ bình quân ước đạt từ 400 - 500 triệu đồng/tháng; mặt hàng trao đổi chủ yếu: Hàng tiêu dùng, điện tử, điện lạnh, nông sản, thực phẩm, máy nông cụ cầm tay, quần áo…

Cùng với việc đẩy mạnh kinh tế biên mậu, Mèo Vạc đặc biệt chú trọng công tác QP – AN, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trung tá Đặng Hải Như, Phó trưởng Đồn Biên phòng Xín Cái chia sẻ: Thực hiện nhiệm vụ QP – AN, nhất là phòng, chống dịch Covid-19 và ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, lực lượng biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn nắm chắc tình hình nội, ngoại biên; xây dựng kế hoạch, phối hợp dân quân 3 xã biên giới tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới, kiểm soát chặt chẽ người, hàng hóa, phương tiện qua lại biên giới, cửa khẩu. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt 3 văn kiện pháp lý về biên giới và các biên bản thoả thuận giữa hai bên. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT – XH, QP – AN tại địa bàn.

Song song với phát triển KT – XH, đảm bảo QP – AN, Mèo Vạc hoàn thành 2 nhiệm vụ đối ngoại quan trọng: Tổ chức ký kết xã - trấn biên giới hữu nghị giữa xã Sơn Vĩ, Xín Cái, Thượng Phùng với trấn Điền Bồng, huyện Phú Ninh (Trung Quốc); ký kết xã - hương biên giới hữu nghị giữa xã Sơn Vĩ với hương Bách Đô, Bách Tỉnh, huyện Nà Pô (Trung Quốc) và ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác quản lý lao động qua biên giới với huyện Phú Ninh và huyện Nà Pô. Bên cạnh đó, công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng biên được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo các xã biên giới bình quân hàng năm giảm từ 6% - 7%.

Xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: 100% số thôn và 98% số hộ của các xã biên giới có điện lưới Quốc gia; 90% dân số trong vùng được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6%/năm, huyện Mèo Vạc đang tập trung quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu và hạ tầng khu vực lối mở; hoàn thành sửa chữa đường Pả Vi đi xã Xín Cái. Khai thác hiệu quả mạng lưới chợ biên giới; khuyến khích phát triển thương mại tư nhân; hình thành mạng lưới tiêu thụ tại các cửa hàng, điểm mua bán. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại; đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu hàng hóa có thế mạnh của huyện. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư công nghệ chế biến, dự trữ, bảo quản hàng hóa.

“Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế biên mậu, huyện đang phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự; không để xảy ra phức tạp về trật tự xã hội, trật tự an toàn giao thông; tăng cường xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện tốt các thỏa thuận, cơ chế phối hợp về đảm bảo an ninh, trật tự trên tuyến biên giới, về quản lý lao động qua biên giới; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT – XH đã đề ra” – Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Nguyễn Cao Cường cho biết thêm.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Cùng chuyên mục

Đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp ở Vị Xuyên

BHG - Phát triển nông nghiệp trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật (KHKT), thích ứng biến đổi khí hậu, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị là cách làm mới, tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Vị Xuyên.

 

24/09/2020
Đồng Văn nỗ lực giảm các thôn, xã đặc biệt khó khăn

BHG - Sau khi có Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg ngày 3.11.2016 của Thủ tướng Chính phủ về xác định thôn đặc biệt khó khăn và xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020; UBND huyện Đồng Văn đã cụ thể hóa và chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện rà soát; xây dựng lộ trình, phương án cụ thể; phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực tăng gia sản xuất, từng bước giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

 

23/09/2020
Hội thảo tuyên truyền nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

BHG - Ngày 23.9, tại xã Ngọc Minh (Vị Xuyên), Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) tổ chức Hội thảo tuyên truyền nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, thuộc hợp phần 3, Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Hà Giang năm 2020. Dự hội thảo có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, các đơn vị chuyên môn của huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và lãnh đạo 5 xã triển khai mô hình.

 

23/09/2020
Người đưa cây cam lên Bản Bó

BHG - Anh Đặng Văn Pú - chàng trai dám nghĩ, dám làm, người tiên phong mang giống cây cam Vinh cao sản về trồng ở thôn Bản Bó, xã Yên Định, huyện Bắc Mê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và thu nhập ổn định cho gia đình.

 

23/09/2020