Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất
BHG - Từ đầu năm đến nay, dịch Covid – 19 và thiên tai liên tiếp xảy ra đã tác động toàn diện lên nền kinh tế; khiến nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh tạm dừng hoạt động, lao động mất việc làm. Để giúp các doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, tỉnh đang triển khác các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ.
HTX cơ khí Anh Túy, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) khôi phục sản xất, kinh doanh. Ảnh: CTV |
Thực hiện chủ trương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid – 19; nên nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động, giảm công suất, giảm công nhân. Tính đến hết tháng 7.2020, nhiều DN bị tồn hàng tại kho, như: Công ty Cổ phần chè Hùng An tồn 40 tấn sản phẩm; Công ty TNHH chè Biên Cương tồn 450 tấn; Công ty TNHH một thành viên Long Trà tồn 240 tấn; Công ty TNHH trà Hoàng Long 290 tấn. Tại Cụm công nghiệp Nam Quang, Nhà máy giấy Hải Hà giảm 30% công suất, tồn 280 tấn sản phẩm; Nhà máy sản xuất gỗ viên nén hoạt động cầm chừng, công suất giảm còn 20%, tồn 120 tấn sản phẩm; Nhà máy giấy vệ sinh, khăn giấy Bắc Quang hoạt động cầm chừng 20% công suất; Các cơ sở ván bóc địa bàn tỉnh đều hoạt động cầm chừng do thị trường tiêu thụ giảm và ảnh hưởng thời tiết; Nhà máy thủy điện Thái An và Nhà máy Thủy điện Thuận Hòa bị sạt lở do mưa lũ, phải tạm dừng hoạt động, thiệt hại trên 350 tỷ đồng.
Để cùng DN vượt đại dịch, phục hồi sản xuất, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt, đối thoại, chia sẻ tháo gỡ khó khăn; chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương hỗ trợ DN về: Cắt giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; điều chỉnh giảm mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và cho vay; miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN; giảm tiền thuế đất; tăng cường phối hợp, liên kết giữa các DN; hỗ trợ giảm tiền điện. Thực hiện Phương án số 20/PA-UBND, ngày 5.6.2020 của UBND tỉnh về điều hành các nhiệm vụ phát triển KT - XH 7 tháng năm 2020 nhằm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT – XH ở mức cao nhất, ngành Công thương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và DN, cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh; ban hành kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid - 19; phương án điều hành nhiệm vụ phát triển KT - XH những tháng còn lại năm 2020; kết nối các DN, hợp tác xã trong tỉnh với các siêu thị, tập đoàn, DN trong nước, như: BigC, Vinmart, Hapro,... để ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất các hoạt động xúc tiến xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh.
Các huyện triển khai hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn từ nguồn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho DN, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; thúc đẩy xuất, nhập khẩu các sản phẩm đầu ra và nguyên liệu đầu vào của các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh. Các DN chủ động, tích cực triển khai ký kết hợp đồng với người sản xuất, tạo liên kết theo chuỗi giá trị bền vững.
Mặc dù việc tái sản xuất, kinh doanh sau dịch vẫn còn cầm chừng do một số mặt hàng chưa khơi thông được thị trường, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu qua Trung Quốc; tuy nhiên, ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi. Trong 8 tháng đầu năm, một số sản phẩm công nghiệp có sản lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước, như: Quặng sắt và tinh quặng sắt chưa nung kết, đá các loại, bột giấy, sản phẩm in, sản phẩm cấu kiện làm sẵn cho xây dựng, bê tông tươi. Trong đó, khai thác quặng sắt đạt 395.725 tấn, tăng 15,19%, so với cùng kỳ năm trước. Ván ép ước sản xuất đạt 10.152 m3; bột giấy đạt 1.351 tấn; điện sản xuất đạt 1.539 triệu Kwh; điện thương phẩm đạt 302 triệu Kwh, tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước; nước máy sản xuất đạt 2.849.000 m3, tăng 2,56% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp tháng 8 tăng 1,88% so với tháng trước, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh trong tháng 8 đạt 293,1 tỷ đồng, tăng 3,67% so với tháng trước. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế ước thực hiện tháng 8 đạt 502,7 tỷ đồng, tăng 5,12% so với tháng trước.
Các hoạt động thương mại – dịch vụ tăng khá do các cửa hàng, đại lý kinh doanh và hệ thống bán lẻ trở lại hoạt động bình thường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt 950,3 tỷ đồng, tăng 0,91% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 8 đạt 22,46 triệu USD, tăng 7,9% so với tháng trước. Các nhà máy sản xuất giấy, gỗ nén xuất khẩu, gỗ bóc, ván ép, quặng sắt tuy chưa phục hồi sản xuất hoàn toàn do thị trường chưa được khai thông trở lại, nhưng các DN đang từng bước hoạt động sản xuất ổn định trở lại để giữ chân người lao động và tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu đang vào vụ thu hoạch. Hiện, các nhà máy đã khôi phục đi vào hoạt động sản xuất với công suất đạt khoảng 70%. Các HTX tiểu thủ công nghiệp cũng đang đẩy mạnh sản xuất để bù đắp thiếu hụt số lượng sản phẩm do tạm thời đóng cửa thực hiện giãn cách xã hội trước đó.
BIỆN LUÂN