Hiệu quả "kép" trong cộng tác công tư
BHG - Cộng tác công tư (P-PC) là tiểu hợp phần thuộc hợp phần Đầu tư phát triển hàng hóa phù hợp với người nghèo của Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh Hà Giang được Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ. Sau 5 năm triển khai thực hiện, các dự án P-PC mang lại hiệu quả rõ nét về KT-XH, môi trường, giúp người dân vùng dự án tăng thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sản phẩm của HTX Chế biến chè Phìn Hồ được quảng bá, trưng bày, giới thiệu tại nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh và các điểm bán hàng Việt. Ảnh: TL |
Mục tiêu của P-PC là đẩy mạnh hợp tác bền vững giữa các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa. Tổng kinh phí phê duyệt của tiểu hợp phần P-PC là 3,6 triệu USD, trong đó vốn vay IFAD là 1,764 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của đơn vị hưởng lợi. Giai đoạn 2015 - 2019, Chương trình CPRP đã ký kết đầu tư dự án P-PC với 28 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh; trong đó, có 13 dự án P-PC cấp tỉnh sản xuất các chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực và ưu tiên của tỉnh, như: Chè Shan tuyết, gạo, gỗ, nấm, dược liệu, Tam giác mạch, cam, Thảo quả, thịt bò và 15 dự án P-PC cấp huyện.
Đầu năm 2017, dự án P-PC “Đầu tư nâng cấp mở rộng nhà xưởng, kho bảo quản sản phẩm và máy móc công nghệ chế biến chè Shan tuyết cổ thụ” của HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) được triển khai thực hiện với tổng đầu tư trên 3,46 tỷ đồng; trong đó, vốn CPRP là 1,37 tỷ đồng. Đến nay HTX đã hoàn thành đầu tư máy móc thiết bị, kho mát, xây dựng và đưa vào hoạt động khu vực trưng bày sản phẩm; tiến hành ký hợp đồng với các nhóm sở thích trồng chè hữu cơ với 272 hộ dân; tập huấn kỹ thuật và tổ chức thu mua sản phẩm cho người dân; đẩy mạnh quảng bá, mở rộng thị trường, xây dựng nhãn thương hiệu. Dự án có tỷ suất hoàn vốn nội bộ đạt 26%, giá trị hiện tại ròng dương; tỷ lệ thu nhập so với chi phí trung bình đạt 11%/năm; khẳng định tính khả thi và khả năng sinh lời của đầu tư.
Dự án “Đầu tư trang thiết bị sản xuất lạc giống, lạc nhân và chế biến dầu lạc” của hộ kinh doanh Mạc Thị Miến tại xã Đồng Yên (Bắc Quang) bắt đầu từ tháng 4.2018 với tổng vốn đầu tư 1,772 tỷ đồng; trong đó, vốn CPRP là 660 triệu đồng. Dự án hoàn thành trước thời hạn toàn bộ các hạng mục như: Mua sắm máy bóc vỏ, máy sấy, máy sàng, máy ép dầu lạc và cung cấp giống lạc L14 cho 800 hộ tại 8 xã của huyện Bắc Quang. Kết quả đầu tư dự án này cho tỷ suất hoàn vốn nội bộ đạt 195%, cao nhất so với các dự án còn lại, tỷ lệ hoàn vốn nhanh; tỷ lệ thu nhập so với chi phí trung bình tuy chỉ đạt 6,24%/năm nhưng đạt hiệu quả tài chính cao hơn so với chỉ tiêu đặt ra trong đề xuất P-PC.
Đó là 2 trong số nhiều dự án P-PC đang mang lại hiệu quả. Theo đánh giá của Ban Điều phối Chương trình CPRP tỉnh, hầu hết, các dự án P-PC đều mang lại hiệu quả tài chính cho doanh nghiệp, HTX và nông hộ. Tỷ lệ nội hoàn của các doanh nghiệp, HTX đạt từ 21% - 195%. Tỷ suất lợi nhuận trung bình đạt từ 6,24% - 110%. Thu nhập bình quân của hộ tham gia dự án tăng thêm từ 1,7 – 24,5 triệu đồng/năm; thu nhập trên từng đơn vị diện tích thay đổi từ 40% - 372%; thu nhập trên đơn vị sản phẩm thay đổi từ 44% - 160%.
Bên cạnh lợi nhuận kinh tế, các dự án P-PC mang đến thành công về mặt kỹ thuật. Các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất được đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại; xây dựng, mở rộng nhà xưởng; liên kết sản xuất; quản lý và xây dựng nhãn hiệu. Thông qua đào tạo, tập huấn, các hộ dân có cơ hội tiếp cận với phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất; bảo vệ môi trường. Với việc tham gia vào chuỗi liên kết, vai trò của người dân được nâng cao; từng bước giúp họ thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất lạc hậu, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước sang sản xuất hàng hóa tập trung. Các dự án P-PC cũng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho các doanh nghiệp, HTX và tinh thần hợp tác của người dân. Tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong sản xuất, như: Đất đai, lao động, vốn và khai thác các thế mạnh của địa phương; trình độ quản lý ngành của cán bộ tham gia quản lý, hướng dẫn thực hiện từ tỉnh đến cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực.
Các dự án P-PC phù hợp với điều kiện tự nhiên, xu hướng phát triển KHKT và khả năng thu nhận của nông dân; có tác động đến xã hội ở nhiều khía cạnh khác nhau, góp phần tạo thêm việc làm, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống cư dân nông thôn và trật tự, an toàn xã hội; có đủ điều kiện, khả năng để duy trì, mở rộng trên địa bàn tỉnh.
AN GIANG