Đảm bảo "huyết mạch" của nền kinh tế
BHG - Muốn phát triển kinh tế, giao thông (GT) phải đi trước một bước; với tầm quan trọng đó, những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng GT đảm bảo tính kết nối, đồng bộ, đáp ứng cơ bản nhu cầu giao thương cho người dân.
Chuẩn bị rải át-phan tuyến đường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang. Ảnh: THẾ HỌC |
Toàn tỉnh hiện có 522 km đường Quốc lộ (QL); trên 310 km đường tỉnh lộ (TL); trên 220 km đường đô thị; 1.830 km đường cấp huyện và trên 5.140 km đường liên xã. Trong quá trình khai thác, sử dụng; do địa hình đồi núi bị chia cắt mạnh, thiên tai thường xuyên xảy ra gây sạt lở, nhu cầu vận tải tăng khiến lượng xe cộ lưu thông ngày càng đông nên nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị xuống cấp nghiêm trọng.
Giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển GT theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết nối giữa các trung tâm kinh tế, chính trị, đầu mối GT; duy trì và nâng cao khả năng khai thác mạng lưới GT hiện có, nâng cao hiệu quả chất lượng dịch vụ vận tải, giảm thiểu tai nạn GT; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn. Nhiều “điểm nghẽn” lớn về GT được đầu tư, xây dựng, bảo trì, nâng cấp; cơ bản đảm bảo yêu cầu chất lượng, như: QL 279, QL 4C, QL 34, đường Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, đường Xín Mần - Bắc Hà, đường TL 176B, TL 183, đường đi các cửa khẩu tiểu ngạch. Sở GTVT tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa hàng trăm km đường trên các tuyến QL, TL. Các tuyến đường trước đây được đầu tư xây dựng nhưng nền đường thấp, làn đường hẹp chỉ đủ 1 làn xe, thường xuyên gây ách tắc, ngập úng và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn được sửa chữa, gia cố, nâng cấp mặt đường, lề đường, mở rộng mặt đường đảm bảo đủ 2 làn xe. Những đoạn đường chạy qua thị trấn, khu đông dân cư đều được mở rộng và trải thảm bê tông nhựa. Tại các vị trí thiết yếu, bán kính cung đường nhỏ, bị hư hỏng nặng được ưu tiên sửa chữa, nâng cấp và bổ sung hệ thống an toàn GT. Đặc biệt, thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 1.790 km đường; trong đó, 598 km đường trục xã, 608 km đường trục thôn, 510 km đường ngõ xóm và 83 km đường trục nội đồng; cải tạo và xây mới 2.590 cầu, cống dân sinh; trên 86% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm thôn.
Về chất lượng công trình, công tác lựa chọn nhà thầu được thực hiện công khai, minh bạch bằng hình thức đấu thầu qua mạng và được ngành chức năng thẩm tra năng lực kỹ lưỡng. Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thi công, đảm bảo đúng thiết kế, tiến độ và chất lượng.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay liên tục xảy ra nhiều đợt mưa lũ kéo dài gây sạt lở, thiệt hại nặng nề về các tuyến đường. Nhiều đoạn trên QL, TL và các tuyến đường huyện, xã xảy ra ngập sâu, sạt lở tại nhiều điểm với khối lượng hàng nghìn m3. Với phương châm “4 tại chỗ” và có phương án chủ động ứng phó với thiên tai, Sở GTVT đã chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai; các sự cố “đứt mạch” GT được “nối” kịp thời; tình trạng ách tắc GT trong mùa mưa lũ được giải quyết nhanh chóng.
Thực tế, kết cấu hạ tầng GT của tỉnh so với cả nước hiện vẫn còn yếu kém, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp đang là rào cản đối với sự tăng trưởng kinh tế. Nguồn lực đầu tư cho GT hạn chế; trong 5 năm 2015 – 2020, nguồn vốn đầu tư xây dựng, bảo trì đường GT chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu.
Giai đoạn 2020 – 2025, ngành GTVT đặt mục tiêu: Hoàn thành quy hoạch mạng lưới GT đường bộ và tích hợp vào quy hoạch tỉnh, khai thác hiệu quả mạng lưới GT đã có; tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tuyến đường quan trọng trên địa bàn tỉnh, như: Nối thông tuyến QL 4, cải tạo nâng cấp các tuyến TL 177 Bắc Quang - Xín Mần; TL 176 Yên Minh - Mậu Duệ - Mèo Vạc; hoàn thành nâng cấp đường TP. Hà Giang – Phú Linh, Linh Hồ (Vị Xuyên); hoàn thành cầu Phương Tiến và đường nối cầu Phương Tiến đi QL 4C; nâng cấp các tuyến đường ra cửa khẩu, đường tuần tra biên giới; quy hoạch xây dựng bến cảng thủy nội địa trên các lòng hồ thủy điện, bến đò ngang để vận tải hàng hóa kết hợp phát triển du lịch. Phát triển hợp lý kết cấu hạ tầng GT đô thị; 100% tuyến đường trong các khu dân cư tập trung được cứng hóa; hoàn thiện hệ thống cống, rãnh thoát nước, lát gạch vỉa hè; 100% thôn biên giới có đường giao thông đến trung tâm đạt chuẩn Nông thôn mới; hoàn thành 186 cầu dân sinh thuộc chương trình quản lý tài sản địa phương.
Để hoàn thành mục tiêu trên, lãnh đạo Sở GTVT, cho biết: Ngành tiếp tục tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn; tạo đột phá trong thu hút đầu tư; ưu tiên đầu tư hệ thống GT đồng bộ, hài hòa, có trọng tâm, trọng điểm, kết nối giữa các trung tâm kinh tế, chính trị, cụm công nghiệp; lập quy hoạch mạng lưới GT đường bộ đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của tỉnh; tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng Nông thôn mới; phối hợp với các địa phương giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ thi công các dự án GT; tăng cường kiểm tra, giám sát; ứng dụng KHCN trong phát triển kết cấu hạ tầng GT.
BIỆN LUÂN