Bắc Mê chú trọng liên kết tạo ra chuỗi giá trị dược liệu
BHG - Những năm qua, huyện Bắc Mê đang tập trung phát triển cây dược liệu (CDL) nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, đem lại giá trị bền vững. Những kết quả khả quan ban đầu là cơ sở để huyện xây dựng thương hiệu dược liệu Bắc Mê vào năm 2025.
Người dân thôn Phiêng Luông, xã Phiêng Luông chăm sóc cây Thất diệp nhất chi hoa. |
Xác định CDL phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao; huyện tiếp tục đưa vào chương trình trọng tâm trồng rừng kinh tế gắn với phát triển CDL. Nhằm triển khai hiệu quả các nghị quyết chuyên đề, đề án trồng rừng kinh tế gắn với phát triển CDL; cải tạo đồi tạp, vườn tạp; bảo tồn và phát triển một số cây có tính chất dược liệu, chè cổ thụ; hình thành các vườn ươm cung ứng cây lâm nghiệp giống tốt; nhận thức của nhân dân về trồng rừng kinh tế có bước đột phá, việc trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước dần được xóa bỏ, người dân đã chủ động đầu tư trồng rừng kinh tế gắn với phát triển CDL. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện trồng mới được trên 6.058 ha rừng; trong đó, trồng rừng giống tốt trên 70%, cây Quế trồng mới 500 ha, cây Hồi 350 ha, thu nhập từ trồng rừng sản xuất tăng cao, cây Hồi với 165 ha đã cho thu hoạch đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm, giá trị đạt trên 8 tỷ đồng/năm.
Cùng với cây Quế, cây Hồi, Bắc Mê còn có các loài cây có tính chất dược liệu bản địa, như: Nghệ, gừng, Đinh lăng, Khúc khắc, Bình vôi, Thiên niên kiện… Với lợi thế về thiên nhiên, huyện tiếp tục khảo nghiệm một số CDL, như: Tam thất, Atiso, cây Nưa…; chủ động liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây dược liệu. Hiện nay, Bắc Mê đã thành lập được nhiều hợp tác xã (HTX) như: HTX Dược liệu thôn Phiêng Luông; HTX Chiết xuất tinh dầu Hồi thôn Nà Nôm; HTX Chế biến tinh bột nghệ Ngọc Sơn…
Ông Đỗ Nguyễn Quyết, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện, cho biết: Việc triển khai các mô hình trồng dược liệu là một trong những khâu quan trọng để địa phương hình thành vùng dược liệu và đa dạng hóa các mặt hàng nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Việc trồng xen CDL dưới tán rừng cũng là giải pháp hiệu quả, giúp người dân nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Khi các mô hình trồng CDL thành công, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện nhân rộng ở các xã, thị trấn với mục tiêu tạo nên chuỗi giá trị liên kết sản xuất bền vững.
Tuy nhiên, việc phát triển CDL ở Bắc Mê vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, các hình thức hợp tác (HTX, tổ đội sản xuất, hiệp hội, công ty…) còn ít và chưa phát huy hiệu quả. Nhiều loại CDL, cây thuốc quý hiếm chưa được phục hồi, nhân giống. Việc phát triển sản xuất CDL trên địa bàn huyện vẫn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và truy nguyên nguồn gốc. Vì thế, việc thực hiện liên kết 4 nhà (nhà khoa học - nhà nước - nhà doanh nghiệp và nhà nông) là rất quan trọng. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò then chốt trong hình thành chuỗi khép kín từ khâu chăm sóc, bảo quản, chế biến... Đồng thời, huyện cũng cần có chính sách cụ thể để bảo tồn dược liệu kết hợp hướng dẫn nhân dân khai thác có kế hoạch. Mục tiêu của huyện đến năm 2025 là tập trung trồng rừng kinh tế bằng giống tốt, phấn đấu trồng mới 3.500 ha rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững, gắn với phát triển diện tích Quế, Hồi, nghệ và các CDL phù hợp. Thông qua các dự án đầu tư liên kết của các doanh nghiệp, HTX với người dân để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm...
Bài, ảnh: VĂN QUÂN