Tân Lập chuyển mình

10:16, 10/08/2020

BHG - Ngay sau Đại hội Đảng bộ xã Tân Lập (Bắc Quang) thành công, chúng tôi tìm về thôn Minh Thượng, Minh Hạ, Chu Thượng,... để hiểu rõ thêm về việc Tân Lập triển khai thực hiện Nghị quyết BCH Đảng bộ xã khoá VII.

Ruộng bậc thang ở Tân Lập.
Ruộng bậc thang ở Tân Lập.

Trưởng thôn Minh Thượng, Tẩn Văn Đạo thẳng thắn: Cứ dạo một vòng vào dân là thấy hết thôi mà. Minh Thượng mùa này rừng núi xanh mướt, màu xanh bắt mắt nhất chốn thâm sơn, cùng cốc này chính là màu xanh non tơ của chè Shan tuyết đang mùa thu hái. Giá thu mua chè búp tươi đang dần nhích lên, làm ấm lòng người dân trong bản.

Khách du lịch mua trà Shan tuyết đặc sản của xã Tân Lập.
Khách du lịch mua trà Shan tuyết đặc sản của xã Tân Lập.

Minh Thượng có 86 hộ, chủ yếu là người Pà Thẻn sinh sống. Bình quân mỗi hộ có trên, dưới 1 ha chè Shan tuyết đang cho thu hoạch. Thu hoạch và chế biến chè Shan tuyết đặc sản vốn là thế mạnh của Minh Thượng, bên cạnh cây chè là kinh tế rừng, chăn nuôi trâu, dê và lợn bản địa được người dân trong thôn chú trọng. Anh Đạo cho biết: Tập tục làm ăn của người Pà Thẻn xưa nay vẫn là bám rừng, thu hái các sản phẩm phụ như: Cỏ, cây, dây leo dưới rừng làm thuốc nam chữa bệnh và giữ rừng để trồng cây dược liệu, trồng chè, cấy lúa nước... Mấy năm gần đây, khi diện tích rừng các nơi bị chặt phá thu hẹp lại thì phong trào giữ rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng của Minh Thượng lại càng được người dân gìn giữ chặt. Quan niệm của đồng bào Pà Thẻn Minh Thượng là có rừng, là có cuộc sống, là có nước ăn, nước làm ruộng, nước nuôi cá… Con suối kia chảy từ núi cao xuống bản, được cả làng coi là suối Mẹ, để làng có dòng nước mát. Cánh rừng bao quanh Minh Thượng được coi là cánh rừng Cha, che chở bao bọc lấy làng bản. Rừng Cha, suối Mẹ ngày đêm quấn quýt bên nhau tạo cho sự sống của người dân Minh Thượng, Minh Hạ ngày một sinh sôi, nảy nở. Nếp sống đó, nay đã trở thành nếp văn hoá của làng Minh Thượng. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống đã cho Minh Thượng bài học quý từ giữ lấy rừng, khoanh nuôi, bảo vệ, trồng mới rừng; bảo vệ suối nước, cấm đánh bắt cá bừa bãi để giữ cho bản làng thật nhiều màu xanh. Lúc vui chuyện, anh Phàn Văn Dũng, Trưởng thôn Minh Hạ, cho biết thêm: Minh Hạ có 76 hộ, chủ yếu là đồng bào Dao, Pà Thẻn cùng sinh sống giữa đại ngàn từ bao đời nay. Quan điểm, cách thức làm ăn, lối sống cũng tương đồng người dân Minh Thượng. Cả 2 thôn đều chung mục tiêu, làm cho màu xanh nơi mình sống ngày càng thêm xanh; để rừng nhiều cây, trong chuồng nuôi nhiều con, ruộng cho nhiều thóc, suối nhiều tôm, cá là cuộc đời ấm no.

Nói thêm về cách gìn giữ suối nước trong làng để tôm nhiều, cá lắm của người dân 2 thôn Minh Thượng, Minh Hạ là: Cấm đánh bắt thường xuyên, lệnh cấm đánh bắt được người dân 2 thôn lập thành Quy ước. Người dân trong thôn chỉ được đánh bắt cá suối chỉ khi được Trưởng làng cho phép. Ai tự ý đánh bắt sẽ bị phạt nặng theo quy ước của thôn. Số tiền phạt được đưa vào Quỹ thôn để lo việc dân, việc làng. Nhờ quy ước đó mà cá trong suối Mẹ chảy qua Minh Thượng, Minh Hạ tha hồ sinh sôi, nảy nở trong 4 mùa và làm giàu thêm cho nếp sống văn hoá làng quê. Lợi thế trên đã, đang được  2 thôn, Minh Thượng, Minh Hạ khẩn trương xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng nhà truyền thống Pà Thẻn, phục dựng các nét văn hoá truyền thống người Pà Thẻn, người Dao, như: Lễ cúng rừng, Lễ nhảy lửa, Lễ cấp sắc để bảo tồn văn hoá tộc người, để thúc đẩy du lịch cộng đồng, thúc đẩy phát triển KT – XH ở địa phương.

Trao đổi với tôi, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Lập, Triệu Tràn Khuân, cho biết: Xã Tân Lập có diện tích tự nhiên trên 7.524 ha. Trong đó, đất rừng 5.205,8 ha, rừng tự nhiên có 5.006 ha, rừng trồng 175 ha, rừng khoanh nuôi 2.467 ha. Lợi thế lớn nhất ở Tân Lập hiện là chè Shan tuyết trên 467 ha, quế 150 ha. Còn lại, đất sản xuất nông nghiệp là 230 ha, chủ yếu là đất lúa 1 vụ. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt mỗi năm khoảng 1.800 tấn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Tân Lập khoá VII, nhiệm kỳ (2020 – 2025) xác định: Thúc đẩy phát triển kinh tế rừng gắn với trồng cây dược liệu, như: Quế, Thảo quả, lá Khôi tía và các loại cây thuốc cổ truyền của người Pà Thẻn, người Dao; đầu tư chế biến các sản phẩm đặc sắc theo tiêu chuẩn OCOP là chè Shan tuyết hữu cơ, các sản phẩm chế biến từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá suối, sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Lấy bản sắc độc đáo người Pà Thẻn, người Dao, người Tày để thúc đẩy du lịch cộng đồng theo kiểu homestay. Đồng thời, tiếp tục huy động sức đóng góp của người dân, sự hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức xã hội để hoàn thiện xây dựng hạ tầng. Thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ là mục tiêu xuyên suốt cho cả nhiệm kỳ để Tân Lập xây dựng thành công mục tiêu quốc gia về NTM vào năm 2024.

Rời Tân Lập, tôi không quên mua cho mình cân Bạch trà, hương vị của núi rừng miền Tây Hà Giang. Bên trong Bạch trà có hương thơm ngậy được kết tinh và chứa đựng trong đó đậm tình đất, thắm tình người Tân Lập.

Bài, ảnh:  Nguyễn Hùng


Cùng chuyên mục

Hỗ trợ nông thôn miền núi phát triển

BHG - Hiện nay, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) Hà Giang đang phát huy hiệu quả; giúp huyện Quản Bạ thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn. Nhiều hộ dân vùng nông thôn được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao thu nhập.

31/07/2020
Đồng hành cùng nhà nông

BHG - Mặc dù hoạt động trên vùng đất khó khăn nhất của tỉnh, việc huy động và duy trì nguồn vốn đối với ngân hàng huyện là việc không dễ; song được sự giúp đỡ của Agribank tỉnh, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, nhân viên Agribank Đồng Văn,… 

31/07/2020
Thay thế máy biến áp tại Trạm 110kV Yên Minh đảm bảo cấp điện cho 4 huyện vùng cao

BHG - Vừa qua, Công ty Điện lực Hà Giang phối hợp cùng các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã thí nghiệm, thay thế và đóng điện thành công máy biến áp T1 25MVA-115/38 tại Trạm 110kV Yên Minh.

31/07/2020
Xín Mần tái phát dịch tả lợn châu Phi

BHG – Ngày 31.7, UBND huyện Xín Mần cho biết, trên địa bàn huyện đã có 8 con lợn của 5 gia đình tại thôn Quán Thèn, xã Thèn Phàng và thôn Díu Thượng, xã Bản Díu có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Số lợn đã tiêu hủy là 10 con với tổng trọng lượng 476 kg.

31/07/2020