Những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở Bản Ngò
BHG - Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương; người dân xã Bản Ngò đã tận dụng hiệu quả những tiềm năng, lợi thế; tập trung đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Công ty Nông - lâm nghiệp Hà Giang thu mua chuối cho người dân xã Bản Ngò. |
Tận dụng nguồn nước tự nhiên của dòng suối Bản Ngò, anh Tẩn Xuân Quang, Bí thư Chi bộ thôn Táo Hạ đã triển khai mô hình nuôi vịt đẻ trứng và vịt thương phẩm. Để triển khai mô hình, anh tập trung nguồn vốn làm lán trại, mở đường vào khu chăn nuôi, đầu tư đào ao nhỏ bên bờ suối và mua giống vịt bầu cổ xanh về nuôi. Sau 3 tháng, hiện gia đình anh có 500 con vịt đẻ và 200 con vịt thương phẩm. Anh Quang cho biết: Nuôi vịt suối có lợi thế là nước chảy tự nhiên quanh năm, nên đàn vịt có nhiều thức ăn trong tự nhiên hơn và chất lượng vịt thịt lại chắc, thơm nên được nhiều người ưa chuộng; bán rất được giá. Đến nay, đàn vịt sinh sản của anh phát triển rất tốt, mỗi đêm thu về 300 – 400 quả trứng; cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho các trường học trên địa bàn xã và thị trấn Cốc Pài. Bên cạnh đó, để nâng cao thu nhập, anh còn đầu tư chăn nuôi lợn đen địa phương với hơn 40 con lợn thịt, 5 con lợn nái sinh sản và nuôi 6 con trâu vỗ béo. Với việc phát triển chăn nuôi tổng hợp, mỗi năm mang về cho gia đình anh nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng, gia đình anh luôn là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế cho các hộ dân trong thôn học tập. Hiện tại, thôn Táo Hạ có 85 hộ dân; trong đó còn 19 hộ nghèo, nhiều mô hình chăn nuôi đang từng bước được người dân phát triển mạnh.
Đến Bản Ngò thời điểm này, chúng ta sẽ thấy một màu xanh bạt ngàn trên những sườn núi được trồng chuối Tiêu xanh. Đây là dự án của xã trên cơ sở liên kết với Công ty Nông - lâm nghiệp Hà Giang để tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Giống chuối Tiêu xanh Nam Mỹ được triển khai trồng tại thôn Thính Tằng và Đán Khao, với diện tích 31 ha/95 hộ thực hiện. Qua một năm trồng thử nghiệm, mô hình cho thấy, giống chuối Tiêu xanh Nam Mỹ rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây; cây sinh trưởng và phát trển tốt, bình quân mỗi buồng đạt từ 17 – 21 kg. Hiện, mô hình đang vào vụ thu hoạch. Là đợt thu hoạch đầu tiên, sản lượng chuối chưa nhiều, chỉ đạt khoảng 4 tấn; với giá thu mua 5 nghìn đồng/kg. Chị Lù Thị Dụy, thôn Thính Tằng cho biết: Gia đình trồng gần 1 nghìn gốc chuối, hiện một số gốc đang cho thu hoạch; đối với mô hình trồng chuối, gia đình được hỗ trợ cây giống và được cán bộ của Phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn về kỹ thuật như: Cách đánh dấu buồng, cách thu hoạch, vận chuyển để đảm bảo chuối không bị hư hỏng, dập nát hoặc quá tiêu chuẩn. Theo cán bộ chuyên môn thì sau khoảng hơn 10 ngày nữa sẽ tiến hành thu hoạch đợt 2 với sản lượng khoảng trên 20 tấn.
Bên cạnh đó, cây mướp đắng rừng trên địa bàn xã cũng đang vào mùa thu hoạch; hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Đây là giống cây dược liệu được huyện khuyến khích mở rộng diện tích ở xã Bản Ngò, nhằm nâng cao thu nhập cho bà con. Năm 2017, huyện tiến hành gieo ươm thành công cây mướp đắng rừng và đưa vào trồng ở một số thôn của xã Bản Ngò. Qua 3 năm trồng, cây mướp đắng rừng đã mang lại giá trị ổn định cho các hộ dân. Vụ này, toàn xã trồng được 5,8 ha và đang cho thu hoạch; sản phẩm được Phòng Nông nghiệp & PTNT thu mua với giá 20 nghìn đồng/kg quả tươi. Sau khi thu mua, quả mướp đắng rừng được chế biến tạo nên sản phẩm trà khổ qua rừng – sản phẩm OCOP của huyện Xín Mần đạt chứng nhận 3 sao cấp tỉnh.
Chủ tịch UBND xã Bản Ngò Trần Đức Bảo cho biết: Hiện tại, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 34,02 triệu đồng/người/năm. Để hoàn thành tiêu chí thu nhập, xã đã thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, tích cực vận động lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đưa giống mới vào sản xuất; chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi. Qua đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế được người dân nhân rộng như: Nuôi trâu, bò, lợn hàng hóa; trồng sắn cao sản, mướp đắng, chuối Tiêu xanh,… từng bước nâng cao thu nhập bền vững cho người dân; phấn đấu đạt tiêu chí về thu nhập trong xây dựng NTM của xã vào cuối năm 2020.
Bài, ảnh: Văn Long