Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ New Zealand
BHG - Nuôi thỏ New Zealand là một trong những mô hình làm giàu ở xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang), mở ra hướng phát triển kinh tế mới, đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Chị Nguyễn Thu Uyên chăm sóc đàn thỏ. |
Ông Lê Thái Hưng, Chủ tịch xã Phương Thiện, cho biết: “Từ khi có mô hình chăn nuôi thỏ, Đảng ủy xã thường xuyên quan tâm, đôn đốc các hộ thực hiện đúng quy trình chăn nuôi, vệ sinh môi trường, tạo điều kiện cho nông dân trên địa bàn xã tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng mô hình chăn nuôi thỏ tập trung có liên kết, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội”.
Chị Nguyễn Thu Uyên, thôn Tiến Thắng phát triển kinh tế gia đình và làm giàu từ mô hình nuôi thỏ trắng New Zealand. Chị tâm sự, trước đây gia đình chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao. Qua tìm hiểu, tình cờ biết đến mô hình nuôi thỏ thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao khiến chị vô cùng thích thú. Vừa nuôi vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, chị Uyên dần khắc phục được những hạn chế trong chăn nuôi thỏ. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm nên thỏ bị bệnh và chết. Không nản chí, chị tiếp tục học hỏi thêm kiến thức chăn nuôi và tăng dần số lượng thỏ mẹ. Theo chị, ngoài thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thỏ nuôi còn phải tiêm vắc xin phòng bệnh, tăng cường vitamin để tăng sức đề kháng. dành thời gian quan sát, nếu thấy thỏ có biểu hiện kém ăn, mệt mỏi thì cần tách đàn để chăm sóc riêng. Phối giống cho thỏ cái và kỹ thuật nuôi con cũng rất quan trọng.
Theo tính toán của chị, sau khoảng 3 tháng, 1 thỏ mẹ có thể sinh sản từ 7 - 8 thỏ con, sau khi trưởng thành đạt trên 2,5 kg sẽ bán giá 120 nghìn đồng/kg; thỏ giống tầm 5, 6 lạng bán giá 200 nghìn đồng/đôi. Trừ chi phí, mỗi năm để ra được hơn 100 triệu. Hiện, chị nuôi trên 150 con với hệ thống chuồng trại được ngăn thành lồng, thành ngăn, lồng nuôi thỏ được đặt trên các trụ cách đất khoảng 70 cm đến 1 m. Mỗi chuồng nuôi có trang bị máng đựng thức ăn riêng biệt. Chuồng nuôi thỏ được vệ sinh sạch rẽ, giữ ấm vào mùa Đông. Gia đình chị đang đầu tư mở rộng chuồng trại nhằm đảm bảo nguồn cung tốt hơn cho thị trường.
Thỏ là động vật không kén chọn thức ăn, có thể tận dụng các loại rau có sẵn trong gia đình, các loại cỏ dại trên rừng, ven đường, cám công nghiệp. Vừa sản xuất vừa đầu tư, đến nay, gia đình chị Uyên đã có một mô hình kinh tế với quy mô hợp lý. Chuồng trại chăn nuôi và cơ sở sản xuất của gia đình chị đã được cải tạo ngăn nắp. Chị mong muốn có nhiều hộ dân phát triển mô hình chăn nuôi thỏ hiệu quả để góp phần cùng địa phương xóa đói, giảm nghèo.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN