Khẳng định hiệu quả giảm nghèo bền vững
BHG - Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) do Quỹ phát triển Nông nghiệp quốc tế tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2015-2020. Qua 5 năm triển khai, đã có 33.899 hộ được hưởng lợi trực tiếp, tốc độ giảm nghèo đạt 4,76%/năm và trên 14 nghìn hộ nâng cao thu nhập.
Cầu treo xã Đồng Tiến (Bắc Quang) được Chương trình CPRP đầu tư xây dựng. |
Chương trình CPRP được thực hiện tại 30 xã khó khăn thuộc 5 huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình, Bắc Quang và Vị Xuyên. Với mục tiêu hướng tới các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, đảm bảo giảm nghèo bền vững thông qua phát triển hàng hóa; chiến lược triển khai thực hiện chương trình chia thành 3 hợp phần, gồm: Xây dựng năng lực phát triển định hướng thị trường, đầu tư phát triển hàng hóa phù hợp với người nghèo và các hoạt động điều phối.
Thành viên Nhóm Tiết kiệm tín dụng xã Yên Thành (Quang Bình) vay vốn phát triển chăn nuôi. |
Cụ thể, chương trình đã đầu tư nâng cấp 10 chuỗi giá trị thế mạnh cấp tỉnh, 3 chuỗi giá trị cấp huyện và 60 chuỗi giá trị cấp xã. Sau khi được đầu tư, nhiều chuỗi giá trị đã đem lại hiệu quả rõ rệt, chất lượng, sản lượng hàng hóa được nâng lên. Đồng thời, khảo sát, đánh giá 124 mô hình tại địa phương để lựa chọn 83 mô hình hiệu quả để nhân rộng. Từ đó, mở rộng sản xuất, nâng cao tính bền vững, hiệu quả đầu tư, năng suất và tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH định hướng thị trường lồng ghép với biến đổi khí hậu được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai từ năm 2018. Mặt khác, chú trọng nâng cao năng lực phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho nhân dân với 700 lớp tập huấn, thu hút gần 30 nghìn lượt người tham gia…
Chia sẻ về quá trình triển khai, bà Đào Thị Lan Anh, Giám đốc Ban điều phối Chương trình CPRP, cho biết: 5 năm qua, với sự nỗ lực của Ban điều phối, cấp ủy, chính quyền các địa phương và sự ủng hộ rất lớn của người dân, chương trình đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra, tiến độ giải ngân, rút vốn nguồn vay đạt 100%. Lũy kế giải ngân từ đầu chương trình đến hết tháng 6.2020 là 686.173,51 triệu đồng. Từ chương trình đã có 33.899 hộ được hưởng lợi trực tiếp, trong đó có 39% hộ nghèo, 20% hộ cận nghèo và có 14.039 hộ nâng cao thu nhập. Tốc độ giảm nghèo ở 30 xã thuộc Chương trình trình đạt 4,76%/năm, cao hơn 2,32% so với các xã ngoài vùng. Hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 222 công trình cơ sở hạ tầng, phục vụ giáo dục, giao thông, sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác công tư, tạo đầu ra và một số sản phẩm đã được công nhận OCOP; sản xuất dần chuyển sang tập trung theo hình thức nhóm sở thích, nhóm tiết kiệm tín dụng. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển các cây, con chủ lực của tỉnh.
Được đánh giá là một trong những hoạt động nổi bật, tiểu hợp phần Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển hướng tới mục tiêu dài hạn chuyển đổi thành định chế tài chính vi mô được đăng ký theo luật định. Với mục đích hỗ trợ phụ nữ nghèo, khó khăn, dễ bị tổn thương phát triển kinh tế gia đình thông qua thực hiện hoạt động tiết kiệm tín dụng, ứng dụng KH-CN vào sản xuất, kinh doanh. Sau 5 năm, Quỹ đã thành lập được 372 nhóm tiết kiệm tín dụng hoạt động tại 236 thôn với 4.569 thành viên; trong đó, có trên 2.800 hội viên, phụ nữ vay vốn, tổng dư nợ là 16.054,75 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này đã giúp các thành viên phát triển kinh tế, từng bước cải thiện thu nhập. Đặc biệt, giúp hội viên, phụ nữ hình thành thói quen tiết kiệm, biết tính toán chi, tiêu và mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Kết quả, đã có 777 hộ nâng cao thu nhập và 415 hộ thoát nghèo, không có nợ quá hạn.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN