Hội tụ tiềm năng phát triển kinh tế trên mảnh đất Quang Bình
BHG - Những ngày này, toàn Đảng, toàn dân huyện Quang Bình đang dấy lên các phong trào thi đua sôi nổi, đón chờ một hành trình mới với khát vọng đưa quê hương trở thành huyện Nông thôn mới.
Bội thu trên những cánh đồng lúa chất lượng cao tại thị trấn Yên Bình. |
Vượt qua những khó khăn, thách thức, với kế hoạch chi tiết và giải pháp cụ thể; trong kỳ Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Quang Bình đã thực hiện hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu; đáng chú ý là cả 25 chỉ tiêu đều đạt và vượt từ năm 2019. Ấn tượng nhất là con số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, vượt 4 xã so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Điều đó cho thấy, sự đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn để xây dựng và phát triển quê hương. Cũng từ đây, để nông nghiệp có bước phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Đảng bộ huyện luôn xác định chương trình trọng tâm về sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; để hướng đến một nền nông nghiệp đa dạng sản phẩm, đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Chè Shan tuyết là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân huyện Quang Bình. |
Vận dụng chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất: Lúa, chè, cam, quýt, cây dược liệu. Từ nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa và áp dụng mạnh khoa học công nghệ,… đến nay, vùng gieo cấy lúa chất lượng cao toàn huyện đạt 612 ha, cung ứng 3.978 tấn lúa nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, đạt giá trị 35,8 tỷ đồng; vùng trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP là 1.189 ha, hữu cơ là 300 ha, với 7 cơ sở chế biến, quản lý và bao tiêu sản phẩm, giá trị trên 120 tỷ đồng. Đặc biệt, các xã, thị trấn duy trì 30 tổ sản xuất cam VietGAP, với tổng diện tích trên 1.111,9 ha; mỗi năm, đem lại giá trị kinh tế 300 tỷ đồng cho người dân. Với 764 ha Thảo quả, loại cây dược liệu này đã và đang trở thành động lực giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số các xã: Tiên Nguyên, Tân Nam và Bản Rịa. Bên cạnh đó, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 40% trong sản xuất nông nghiệp và có 39 trang trại, gia trại quy mô lớn.
Với sự chuyển dịch đúng hướng, KT - XH trên địa bàn huyện phát triển khá toàn diện; thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với năm 2015. Anh Phàn Văn Việt, thôn Nà Rại, thị trấn Yên Bình cho hay: “Tôi rất vui mừng về sự thay đổi của quê hương trong những năm gần đây, hiện thôn Nà Rại đã thoát khỏi vùng 135, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, bà con mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế mới, ưu tiên chăn nuôi lợn và nuôi trâu vỗ béo. Nhà tôi cũng vậy, bây giờ nhờ có đường bê tông đi lại thuận tiện, thương lái tìm đến tận nơi mua hàng, nên giá cả theo đúng thị trường. Tôi dự định mở rộng chuồng trại, mua thêm trâu, lợn để phát triển kinh tế gia đình”.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh; kinh tế tập thể dần được củng cố, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trong 61 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, có 5 HTX toàn thôn; có 109 tổ sản xuất, dịch vụ và 99 nhóm sở thích. Phần lớn các HTX đều phát huy được vai trò quản lý, tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đây là nền tảng để các xã, thị trấn lựa chọn, xây dựng thành công 12 nhãn mác cho 34 sản phẩm hàng hóa đặc trưng theo Đề án OCOP; nức tiếng gần xa là đặc sản chè Shan tuyết đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao ở các xã Tiên Nguyên và Xuân Minh.
Anh Phùng Sùn Chòi, Giám đốc HTX Minh Quang, xã Xuân Minh cho biết: “Trung bình mỗi ngày, HTX thu mua khoảng 1,5 tấn chè, chè búp tươi với giá 12 - 25 nghìn đồng/kg, giá thu mua tăng theo từng năm. Hiện tại, xưởng đang sản xuất 6 loại chè; thượng hạng là: Trà Shan chất lượng cao Xuân Minh, Bạch Trà; giải quyết công ăn việc làm cho 3 – 5 lao động, với mức thu nhập đạt 6 triệu đồng/tháng. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm mới, gồm: Bạch trà mẫu đơn, Trà Shan II để tham gia đánh giá sản phẩm OCOP năm 2020. Ngoài ra, HTX bước đầu liên kết với người dân để xây dựng vườn chè mẫu, vùng lõi nguyên liệu chè rộng 10 ha tại các thôn: Xuân Thành, Sơn Quang. Với hoạt động sản xuất ổn định, lợi nhuận HTX thu về đạt trên 300 triệu đồng/năm”.
Những năm tới, huyện Quang Bình hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị. Để đạt được mục tiêu trên, huyện đã, đang tập trung triển khai quy hoạch vùng, liên vùng sản xuất để đáp ứng nhu cầu liên kết, chế biến sâu đối với các sản phẩm trong nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện các giải pháp về thị trường, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và tạo cơ chế thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh: MỘC LAN