Tự hào làng Dao Giàn Thượng

14:38, 23/07/2020

BHG - Năm 2016 – 2017, làng Dao thôn Giàn Thượng, xã Tiên Kiều (Bắc Quang) đóng góp 680 triệu đồng thuê rải cấp phối 4 km tuyến đường từ ngã ba nhà văn hóa thôn vào các cụm dân cư. Năm nay, để về đích NTM, dân làng đóng góp trên 1,4 tỷ đồng, thuê doanh nghiệp có máy móc, thiết bị đổ bê tông 8,3 km đường nối các cụm dân cư với nhau để thôn Giàn Thượng ngày một khang trang hơn.

Người dân Giàn Thượng phát dọn hành lang đường vào làng.
Người dân Giàn Thượng phát dọn hành lang đường vào làng.

Đầu tháng 7, thôn Giàn Thượng đẹp tựa bức tranh thuỷ mặc ẩn giữa chốn rừng xanh. Dọc tuyến đường 207 chạy xuyên từ Dốc Than, xã Vĩnh Hảo vào Giàn Thượng, tôi gặp người dân Giàn Thượng mỗi người với một máy phát cỏ đang miệt mài dọn hành lang tuyến đường vào làng; người dân Giàn Thượng mỗi năm tổ chức phát vài lần để đường thông thoáng tầm nhìn nhằm tránh rủi ro, tai nạn. Mồ hôi đầm đìa, nụ cười nở rộ trên môi của người quê như làm dịu đi sự oi nồng của nắng tháng 7.

Giàn Thượng đã cải tạo, chuyển đổi vườn, đồi tạp để trồng 350 ha cam, quýt cho thu nhập cao.
Giàn Thượng đã cải tạo, chuyển đổi vườn, đồi tạp để trồng 350 ha cam, quýt cho thu nhập cao.

Giàn Thường mùa này cũng rộn rã như ánh mặt trời soi chiếu muôn nơi. Chỗ này, người nhổ mạ; chỗ kia, chị em đua nhau cấy lúa mùa. Trưởng thôn Giàn Thượng, Nguyễn Văn Hường, cho biết: Giàn Thượng chỉ có hơn 24 ha ruộng vụ Mùa. Mạ non, ruộng ngấu, cả làng hộ nhau cấy; khoảng tuần nữa là xong. Thế mạnh của Giàn Thượng là vườn cây ăn quả, là rừng và chăn nuôi tổng hợp. Hiện tại, Giàn Thượng có trên 350 ha cam, quýt/150 hộ/662 khẩu; bình quân mỗi người trong thôn sở hữu khoảng 700 m2 trồng cam, quýt đang cho thu hoạch. Trưởng thôn  cho biết thêm: Năng suất bình quân mỗi ha cam khoảng 12 tấn, mỗi người dân Giàn Thượng từ già đến trẻ mỗi năm đã, đang thu hoạch khoảng 7 tấn quả; trừ chi phí, thu về khoảng 50 - 60 triệu đồng/người/năm. Một số thu không nhỏ đối với mỗi người dân ở đây; một làng quê thuần nông thuộc vùng sâu của xã Tiên Kiều. Thật đáng nể! Ngoài nguồn thu từ cây ăn quả;  người dân Giàn Thượng còn có một nguồn thu rất đáng để nói, rừng kinh tế phủ một màu xanh ngắt khắp làng; cùng nguồn thu từ chăn nuôi gia súc, gia cầm thả vườn và từ cá thả dưới ao, trong đập nước của mỗi gia đình… Nhẩm tính sơ bộ, mỗi người dân Giàn Thượng một năm thu khoảng 60 – 65 triệu đồng từ sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi.

Trở lại câu chuyện người Giàn Thượng góp tiền của xây dựng làng quê, anh Hường cho biết: Giàn Thượng có 152 hộ, sống tại 8 cụm dân cư với 662 khẩu; chủ yếu là dân tộc Dao. Số hộ được xếp diện nghèo không thể khắc phục là 4 hộ (người già cô đơn, người khuyết tật). Ông Đặng Kim Phương, cụm dân cư 1 giãi bày, cách đây gần chục năm, người Dao mình cũng nghèo khó lắm; nghèo vì ít ra ngoài nên thiếu kiến thức làm ăn, nghèo vì không biết cách chuyển đổi, cải tạo vườn, đồi tạp để trồng cây ăn quả. Dân ít ruộng, việc làm không có, chăn nuôi nhỏ lẻ nên kinh tế bấp bênh... Thế rồi, chính sách Nhà nước thay đổi, cho phép người Dao Giàn Thượng cải tạo rừng nghèo, đồi, vườn tạp để trồng cây có múi; Giàn Thượng cũng từ trồng cam, trồng chè, rừng kinh tế mà vươn lên.

Nói đến việc dân làng Giàn Thượng góp tiền, của làm đường cấp phối, nay lại làm đường bê tông, làm 5 gian nhà văn hóa thôn, làm lớp học Mầm non cho 65 trẻ đến lớp…; ông Phương cười nói: Các cụ xưa vẫn dạy: Mạnh vì gạo – bạo vì tiền. Cha ông mình đời nào cũng vậy, cũng dành dụm xây dựng và lo cho tương lai con em mình. Đến bây giờ, dân Giàn Thượng đã cải tạo vườn, đồi tạp phát triển kinh tế khá giả rồi thì lại lo cho tương lai của cả làng và của con cháu mai sau, vậy thôi! Ông Bàn Văn Sĩ cũng góp chuyện: Khi có cơ chế cho chuyển đổi vườn, đồi tạp để trồng 350 ha cây ăn quả và 165 ha chè; cả Giàn Thượng động viên nhau làm ngày, làm đêm... Người có giống, có kỹ thuật giúp người chưa có. Anh em, làng xóm tắt lửa, tối đèn có nhau, vui buồn, sướng khổ cùng nhau. Trồng cam cho quả ngọt, trồng chè có xưởng chế biến chè cho hương thơm, cho thêm việc làm và trồng rừng cho gỗ để có thêm xưởng bóc, xưởng mộc... Tôi chợt nhận ra cái nghĩa sống của dân tộc ta là: Chia ngọt, sẻ bùi; miếng cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng. Tôi thấy tự hào, vì mình cũng là dòng dõi “con Rồng – cháu Tiên”. Lần đóng góp năm (2016 – 2017) ở Giàn thượng, nhà khá giả góp thêm cho nhà chưa được “khỏe” từ 5 – 20 triệu đồng để làm đường, làm trường. Còn đợt quyên góp lần này, dân làng bàn tính, mỗi nhân khẩu góp khoảng 5,4 triệu đồng để hoàn thiện toàn bộ các tuyến đường bê tông dày 18 cm, rộng 3 m, dài 8,3 km được  đổ bê tông bằng máy về tất cả các cụm dân cư trong thôn. Ông Sĩ hồ hởi: Cuối năm nay, cam, quýt Giàn Thượng cứ theo đường bê tông mà ra với người tiêu dùng cả nước; giảm chi phí vận chuyển, giảm thời gian thu hoạch, dân Giàn Thượng sẽ lại tiếp tục giàu lên. Còn nhà văn hóa thôn làm năm 2016, nhường lại làm lớp học cho trẻ, làm thêm trụ sở HTX để hỗ trợ vật tư, phân bón, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của người dân Giàn Thượng làm ra.

Trao đổi với các đồng chí trong Chi ủy thôn Giàn Thượng, được biết: Để phát huy sức mạnh toàn thôn, năm 2019 Giàn Thượng đã vận động người dân đồng tâm, đồng lòng thành lập HTX toàn thôn để xúc tiến thương trường, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp của cả làng. Trưởng thôn Nguyễn Văn Hường,  cho biết thêm: Trồng cam, làm chè, chế biến gỗ, làm đồ mộc gia dụng thời nay đều cần thương hiệu. Việc thành lập HTX toàn thôn cũng là để hỗ trợ và mua, bán nông sản cho người dân. Thành lập HTX là để chuyên lo việc giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng làng quê… Nhận thức trên, năm 2020 thôn thành lập Ban Giám sát cộng đồng để quyên góp, giám sát việc xây dựng NTM. Tôn chỉ hành động ở Giàn Thượng là: “Bàn bạc thống nhất, công khai đóng góp, minh bạch chi tiêu” là 12 chữ trong khẩu hiệu thống nhất để thúc đẩy làng Dao phát triển và có được thành quả như hôm nay.

Rời Giàn Thượng, tôi cũng nhận lời mời của người dân Giàn Thượng sẽ trở lại thăm làng vào mùa trái ngọt cuối năm. Tôi thấy tự hào về một cộng đồng người Dao nơi đây, không chỉ có kinh tế phát triển, mà ở đó còn là tính cộng đồng mang đậm văn hoá người Dao được gìn giữ gắn kết nhau thành một khối thống nhất mang tính truyền thống, được đúc kết, chắt lọc thành tinh hoa dân tộc Việt để làm nên sức mạnh Việt Nam.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Cùng chuyên mục

Thuận Hòa khởi sắc sau một nhiệm kỳ

BHG - Là xã nằm ở phía Đông Bắc của huyện Vị Xuyên, với lợi thế gần trung tâm thành phố Hà Giang, có đường giao thông thuận lợi và nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông, lâm, thủy sản, du lịch; nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) đã bứt phá vươn lên mạnh mẽ. Diện mạo kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể.

 

23/07/2020
Gỡ khó trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam

BHG - Chỉ trong tháng 6 và 7, tỉnh ta đã tổ chức 2 hội nghị, 1 nội dung: Bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2020 – 2021. Điều đó cho thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc nhận diện khó khăn, bàn giải pháp để đưa cây cam phát triển xứng tầm cây trồng chủ lực của tỉnh trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 

23/07/2020
Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng

BHG - Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR) đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Do đó, công tác QL-BVR đã có sự chuyển biến tích cực; tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước về BVR cũng như tình trạng phá rừng quy mô lớn đã được ngăn chặn; độ che phủ rừng liên tục tăng qua các năm. 

23/07/2020
Kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Giang và Lâm Đồng

BHG - Ngày 22.7, Sở Công thương Hà Giang có buổi làm việc với Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng về nội dung kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa hai tỉnh. Tại buổi làm việc, đại diện Sở Công thương Hà Giang giới thiệu khái quát tiềm năng, thế mạnh thương mại của tỉnh và thông tin các sản phẩm nông sản đặc trưng như: Chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà Mèo Vạc, cam Sành, thảo quả Hoàng Su Phì, thịt bò Vàng... 

23/07/2020